Hiện doanh nghiệp (DN) ngành thuỷ sản và một số DN trong tỉnh Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là lập phương án vay tìm nguồn tài chính. Chính vì vậy, tỉnh Cà Mau đã triển khai chương trình “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp”.
Khó vay vì khó chứng minh
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau Lý Minh Thuận, hiện nhiều DN đang gặp khó khăn, ngân hàng rất tích cực hỗ trợ các DN. Tuy nhiên, năng lực hoạt động của các DN còn yếu, không có phương án kinh doanh hiệu quả, khi các cơ quan chức năng hỗ trợ thì một số DN không mặn mà nên rất khó để hỗ trợ. Bên cạnh đó, có một số DN sử dụng vốn sai mục đích nên dẫn đến nợ xấu tăng cao.
Phó Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB) Huỳnh Gia Hoàng lý giải, phần lớn các DN trong tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, có tính chất gia đình. Các DN này thường quản lý theo lối thủ công, sổ sách theo dõi không đầy đủ, không chặt chẽ, không đúng quy định của ngành tài chính, ngành thuế về các mẫu biểu nên khi ngân hàng yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ để chứng minh năng lực, mục đích sử dụng vốn, nguồn để trả nợ thì DN không đáp ứng được. Các DN nhỏ không có kế toán trưởng, thậm chí không có kế toán nên giấy tờ sổ sách không đầy đủ. Thậm chí các DN thường có 2 hệ thống sổ sách. Một là hệ thống theo dõi nội bộ phản ánh hoạt động thực chất của DN, còn sổ sách nộp cho cơ quan thuế có tờ khai thuế… không đúng thực tế, không phản ánh đầy đủ hoạt động của DN. Kết quả kinh doanh thường lỗ hoặc lãi không nhiều.
Mỗi năm, ngân hàng dành khoản tín dụng đáng kể cho lĩnh vực thủy sản – Ảnh: KT
Khi khách hàng đến vay với doanh số trên báo cáo tài chính ghi 10 – 15 tỷ đồng, lợi nhuận một vài chục triệu đồng nhưng lại vay 20 – 30 tỷ đồng. Với doanh số như trên thì chỉ cần vay 5 – 7 tỷ đồng là đã đáp ứng nhu cầu hoạt động của DN. Khi được yêu cầu chứng minh nhu cầu vay vốn thì DN không thể thực hiện được. Vì vậy ngân hàng không thể cho vay.
Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp
Mới đây, tỉnh Cà Mau đã triển khai chương trình “Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Cà Mau Trần Quốc Khởi cho biết, trong chương trình này sẽ có 65 tỷ đồng hỗ trợ vay mới, tăng hạn mức tín dụng 357 tỷ đồng, lãi suất vay từ giảm từ 11% xuống còn 8,5% và 8%.
Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, ông Mã Thế Phương khẳng định chắc chắn rằng các ngân hàng thương mại hiện nay đang thừa vốn và vấn đề này đang làm đau đầu các ngân hàng; bởi lẽ trong bối cảnh phát triển chung hiện nay hầu như nguồn vốn của địa phương không sử dụng hết mà lại chuyển vào các thị trường khác.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, Mai Hữu Chinh, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Cà Mau trong thời gian tới sẽ là phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực của ngành nông nghiệp, cụ thể về nuôi tôm diện tích nuôi công nghiệp hiện đạt trên 8.000 ha, phấn đấu đến năm 2015 là 10.000 ha và năm 2020 là 20.000 ha; hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Cà Mau, đơn cử như cảng Hòn Khoai đang được nhà đầu tư nước ngoài lập dự án đầu tư với quy mô 250.000 tấn, sẽ là cảng đầu mối cho khu vực ĐBSCL và cả Thái Lan, Campuchia, là cửa ngỏ mở rộng giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; đối với những lĩnh vực đầu tư phát huy lợi thế sẽ được khuyến khích đầu tư…