THỨ TƯ, ngày 7/5/2025

Cà Mau: Không chủ quan trước tình trạng giá tôm tăng sau khi Mỹ hoãn áp thuế

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Giá tôm tại Cà Mau tăng sau khi Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng. Tuy nhiên, tỉnh cảnh báo không nên chủ quan vì rủi ro từ thuế Mỹ vẫn hiện hữu.

Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng tại Cà Mau đã có những bước nhích nhẹ so với thời điểm đầu tháng 4 – thời điểm Mỹ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, tôm loại 20 con/kg hiện được thu mua ở mức 200.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; loại 30 con/kg đạt 146.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg; và loại 40 con/kg có giá 127.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nhiều hộ nuôi tôm đã có lãi trở lại, giúp phục hồi phần nào tâm lý thị trường.

Tôm Cà Mau tăng giá sau khi Mỹ hoãn áp thuế

Sự tăng giá diễn ra ngay sau khi phía Mỹ tuyên bố tạm hoãn việc áp dụng mức thuế đối ứng nêu trên. Điều này đã tạo cú hích kịp thời, giúp ổn định thị trường trong nước cũng như tiếp thêm động lực để người nuôi mạnh dạn tái thả giống, duy trì sản xuất.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm hiện tại, diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp trên địa bàn đạt hơn 81.325 ha, với tỉ lệ thả nuôi lên đến 99%. Đối với mô hình quảng canh cải tiến, diện tích lên đến 190.805 ha, đạt 100% kế hoạch. Mô hình thâm canh và siêu thâm canh hiện chiếm hơn 6.400 ha, với sự tham gia của 7.272 hộ nuôi, đạt 95,4% so với kế hoạch năm, tương đương 97,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dù giá tôm đã ổn định trở lại, chính quyền địa phương và các sở, ngành vẫn đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ về việc không nên chủ quan. Ông Nguyễn Chí Thiện – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho rằng, việc Mỹ tuyên bố áp mức thuế chung 46% đã gây nhiều xáo trộn trong sản xuất và tiêu thụ tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế, nhưng theo ông Thiện, đây chỉ là khoảng lặng ngắn, không phải là tín hiệu đảo chiều hoàn toàn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu “Tôm Việt” theo hướng bền vững, minh bạch và gắn liền với các tiêu chuẩn quốc tế.

Cà Mau hiện có 5 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản, đủ sức tiêu thụ toàn bộ sản lượng tôm nguyên liệu trong tỉnh. Tuy nhiên, với những biến động từ thị trường quốc tế, đặc biệt là những rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại, việc chỉ phụ thuộc vào một thị trường là điều không còn phù hợp.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định rằng, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế giúp các doanh nghiệp xuất khẩu “dễ thở” hơn trong việc chốt đơn hàng và đàm phán lại với các đối tác. Song điều này không loại trừ khả năng các rào cản thương mại sẽ tiếp tục được áp dụng trong tương lai gần.

Trước nguy cơ đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tranh thủ giai đoạn này để mở rộng thị trường, tăng cường khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP… nhằm tiếp cận sâu hơn vào các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và châu Âu. Đây được xem là hướng đi chiến lược giúp giảm áp lực phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đồng thời nâng cao vị thế của ngành tôm Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới.

Giá tôm tăng là tín hiệu tích cực, nhưng không phải là sự đảm bảo cho sự ổn định lâu dài. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu biến động và xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, các địa phương như Cà Mau cần tiếp tục giữ vững định hướng phát triển bền vững, nâng cao năng lực sản xuất và tạo thế chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuệ Lâm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!