Cà Mau: Lợi ích kép từ việc nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cà Mau có khoảng 35.000 ha rừng ngập mặn. Tận dụng lợi thế tự nhiên này, người dân nơi đây đã phát triển mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Tại xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, (tỉnh Cà Mau) mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu. Ngoài ra, mô hình còn tăng độ che phủ rừng, phát huy khả năng giữ đất, chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Ngô Văn Tiền, ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái có hơn 25 năm nuôi tôm, cua dưới tán rừng. Với khoảng 5 ha đất rừng được giao khoán, gia đình ông mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn. Sau khi trừ chi phí con giống, cải tạo nước, thu nhập mỗi năm của gia đình ông dao động từ 200 đến 250 triệu đồng. Bên cạnh nguồn thu nhập từ nuôi tôm, ông Tiền còn có nguồn thu từ việc trồng rừng. Ông chia sẻ: sau khi khai thác gia đình tôi tiến hành trồng lại rừng, đảm bảo diện tích rừng theo quy định, góp phần tạo môi trường để thủy sản phát triển. 

Mô hình nuôi tôm trong rừng ngập mặn ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau) mang lại thu nhập cao cho người dân. Ảnh: Anh Phan

Gia đình bà Huỳnh Thị Nghiệp, ấp Gò Công Đông thực hiện mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng từ nhiều năm qua. Thời gian đầu, gia đình bà nuôi tôm dưới tán rừng trên diện tích 6 ha được giao khoán. Trong 2 năm gần đây, bà tiến hành cải tạo và thả nuôi kết hợp nhiều loại thủy sản trên cùng diện tích gồm nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi cua và sò huyết, trong đó có phân khu vực nuôi sò huyết giống. Việc đa dạng đối tượng nuôi trên cùng diện tích đã giúp gia đình bà Nghiệp thu nhập ổn định với hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Bà Nghiệp tâm sự: Mặc dù, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng lợi nhuận không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng điều làm mọi người hài lòng nhất là chi phí đầu tư thấp, lại thích ứng tốt với thời tiết thất thường hiện nay.

Từ những lợi ích của hoạt động nuôi thủy sản dưới tán rừng, trong 3 năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) đã triển khai mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 104 ha. Năm 2023 mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn được triển khai tại 15 hộ ở ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình đã mang lại kết quả vượt trội so với nuôi tôm truyền thống. Cụ thể, nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn cho năng suất trên 717 kg/ha, size tôm thu hoạch 35 con/kg, doanh thu đạt 124 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 87 triệu đồng/ha/năm, trong khi nuôi theo cách truyền thống thì chỉ lãi 51 triệu đồng/ha/năm. 

Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết: Mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp giảm chi phí, không sử dụng thuốc hóa học, bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và sức khỏe cộng đồng. Mô hình cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trong sản xuất, nhất là môi trường nuôi thủy sản như hiện nay. 

Nuôi trồng thủy sản kết hợp rừng ngập mặn là giải pháp phát triển kinh tế bền vững. Ảnh: ST

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn là môi trường sống, là nơi sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản. Nó có vai trò cung cấp thức ăn, nơi cư trú, nuôi dưỡng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị, đặc biệt là các loài tôm, cua, cá, các loài nhuyễn thể. Lá, cành, chồi, hoa, quả của cây rừng ngập mặn khi rụng xuống được các vi sinh vật phân hủy thành mùn bã hữu cơ, là nguồn thức ăn cho các loài thủy sản. Cây rừng tạo bóng râm, gốc và rễ cây rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh vật. Vì vậy rừng ngập mặn là một thành phần không thể thiếu của các hệ sinh thái tự nhiên, giúp bảo vệ các loài sinh vật chống lại ảnh hưởng của thủy triều, mưa bão và cung cấp môi trường sinh sống phù hợp cho ấu trùng của các loài tôm cá. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng như là một nhà máy lọc khí CO2, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng khí nhà kính và giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!