T2, 06/07/2020 09:54

Cà Mau miền đất trời ban

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Cà Mau – miền đất tuyệt đẹp trời ban cho vùng cực Nam tổ quốc với tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Cà Mau có nhiều cái nhất nhưng có lẽ cái được quan tâm, gắn liền sinh kế người dân đây là vùng nuôi tôm cá giàu tiềm năng nhất. Đáng tiếc tiềm năng mãi chỉ là tiềm năng…

Ông Nguyễn Xuân Hồng (ảnh), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (mới được điều chuyển ra làm Cục trưởng Cục BVTV – Bộ NN&PTNT), nhớ lại quãng thời gian ngắn chỉ trên 2 năm vào công tác ở Đất Mũi, ông vô cùng xúc động. Ông bảo, đó là vùng đất huyền diệu của con tôm. Ngày ở tỉnh, nhiều lần ông tháp tùng Thủ tướng hay Bộ trưởng NN&PTNT khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản tại đây. Lãnh đạo Trung ương nào cũng nhận ra, Cà Mau có quá nhiều tiềm năng nhưng cũng cần nhiều việc phải làm.

 

Vùng nuôi tôm lớn nhất

Thưa ông, Cà Mau là vùng đất huyền diệu của con tôm, có lẽ bây giờ ông vẫn còn nguyên cảm xúc ấy?

Đúng vậy. Cà Mau là miền đất trời ban để nuôi thủy sản, đặc biệt con tôm. Trước hết khí hậu tuyệt vời, rất ôn hòa, không có mùa đông lạnh. Cà Mau cũng là nơi hiếm khi có bão gió thiên tai. Tính toán cho thấy ở Cà Mau xác suất 50 năm mới có 1 cơn bão, cho nên nuôi thủy sản rất ăn chắc. Nguồn nước thì vô cùng tốt. Sông nước Cà Mau không trong xanh leo lẻo mà hơi đục vàng và nhiều sinh vật phù du, nhiều vùng rừng ngập mặn lớn. Hiện Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất nước, khoảng 290.000 ha, trong đó có 265.000 ha nuôi tôm. Tiếc rằng mới chỉ có 4.000 ha nuôi tôm công nghiệp, còn lại cơ bản nuôi tôm quảng canh và một ít nuôi quảng canh cải tiến, tôm chăn thả tự nhiên, năng suất thấp, sản lượng chưa nhiều. Chỉ cần làm phép so sánh đơn giản: 1 ha tôm nuôi công nghiệp, nếu tôm chân trắng, đạt 12 tấn/ha là bình thường còn tôm sú cũng phải đạt 5-6 tấn/ha. Trong khi tôm nuôi tự nhiên, năng suất có 300kg/ha, chênh nhau 10-20 lần.

 

Đúng là sự lãng phí rất lớn giữa thực tế và tiềm năng. Tại sao vậy? Kiến giải của ông về điều này thế nào?

Nguyên nhân do hạ tầng không tốt mà yếu nhất là thủy lợi. Thủy lợi cho nuôi thủy sản quá khác với thủy lợi trồng lúa. Với thủy sản, nguồn nước vào ra phải nghiêm ngặt; không dùng chung. Cũng vì hệ thống thủy lợi không tốt, không kiểm soát được nguồn nước nên dịch bệnh hay xảy ra cũng dễ hiểu. Trong điều kiện hiện nay, người không có vốn không nói làm gì nhưng kể cả dân có tiền, biết nuôi tôm dễ hốt bạc thật đấy vẫn ít ai dám liều đầu tư vì quá rủi ro. Con tôm không được đầu tư thâm canh, năng suất rất thấp, chính vì thế Cà Mau tuy là vùng nuôi tôm lớn nhưng nghịch lý là các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu lúc nào cũng đói nguyên liệu, có năm chỉ chạy được 40% công suất. Nguyên liệu không có, dẫn đến tranh mua tranh bán, bơm tạp chất. Lợi thế so sánh con tôm Cà Mau chưa phát huy được nhiều. Nhiều cơ hội đã bị bỏ qua.

Ông Nguyễn Xuân Hồng tháp tùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát (thứ 3 từ trái sang) tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản ở Cà Mau

 

Mất cơ hội

Đúng là cơ hội bị bỏ qua và có lẽ đáng tiếc nhất là khi con tôm thế giới lập đỉnh ta lại không có bán?

Giá tôm đang rất cao và tiên đoán thị trường tôm lâu dài vẫn rất tốt, nhất là con tôm sú, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Tôi tham dự một số hội chợ triển lãm nước ngoài, thấy bạn rất quan tâm thủy sản Việt Nam. DN thủy sản ký được rất nhiều hợp đồng, thậm chí không dám ký vì sợ không có hàng mà xuất. Chúng ta có điều kiện tự nhiên nuôi thủy sản tốt, thị trường đặc biệt tốt, thế mà không nuôi được tôm mà bán thì là điều phi lý cần kiến giải tầm vĩ mô.

Tôi lấy ví dụ, 1 ha nuôi tôm công nghiệp, với giá tốt như hiện nay, nuôi tôm thẻ hay tôm sú cũng đều dễ đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, thậm chí 2 tỷ đồng nếu năng suất tốt, trong khi chi phí chỉ 500-600 triệu đồng. Vậy mà Cà Mau mới có mấy ngàn ha tôm công nghiệp, cơ hội bị đánh mất vô cùng lớn. Cơ hội mất đi tỉnh biết chứ, nhưng mình tỉnh không xoay chuyển được.

 

Vậy thì cần phải thế nào, thưa ông?

Cần sự giúp đỡ của Trung ương. Tôi nhớ lãnh đạo tỉnh Cà Mau không ít lần mang hồ sơ dự án ra “kêu” với Chính phủ và các Bộ, ngành, mong Trung ương quan tâm đầu tư thủy lợi nuôi thủy sản. Kêu thì kêu vậy thôi, bởi bố trí được một nguồn vốn lớn rất phức tạp, khó. Bên Bộ Kế hoạch Đầu tư họ bảo vậy. Tôi nghĩ đầu tư làm công nghiệp trong nông nghiệp chúng ta còn nhiều vấn đề chưa thông trong nhận thức.

 

Cần thay đổi tư duy 

Thực tế đầu tư cho nông nghiệp đang là điều quan ngại, vì nông nghiệp rủi ro cao, không hấp dẫn. Qua thực tế Cà Mau như đã nói, ông đề xuất gì?

Nông nghiệp – nông thôn – nông dân luôn là vấn đề trọng đại của đất nước, chắc chắn đồng chí lãnh đạo nào cũng rất trăn trở. Vấn đề cách làm, làm từ đâu và làm thế nào?

Từ thực tế Cà Mau, tôi cho rằng, phát triển hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn là điều cốt yếu phải đầu tư đầu tiên.

Tại sao Cà Mau có lợi thế mà diện tích nuôi tôm công nghiệp quá ít là bởi thủy lợi kém quá. Thủy lợi cho tôm tỉnh không làm nổi, vì vốn lớn, thế mới cần giúp sức của Trung ương. Cũng cần thông tin thêm, Cà Mau tuy mới có 4.000 ha nuôi tôm công nghiệp, mà xuất khẩu thủy sản năm rồi (2010, chủ yếu xuất khẩu mặt hàng tôm) đạt 800 triệu USD, năm nay phấn đấu đạt 950 triệu USD. Nếu thực hiện đúng như chỉ đạo của Thủ tướng là tỉnh cần có phương án nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 20.000 ha, chắc chắn kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt được sẽ rất lớn. Xin nói rằng, trong top 10 DN XK thủy sản cả nước hiện nay, riêng Cà Mau đóng góp 4 DN (Tập đoàn Minh Phú, Cty Quốc Việt, Cty CP Chế biến và XNK Cà Mau – Camimex Corp. và Cty Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau – Cases). Riêng Minh Phú, năm 2010 Tập đoàn này XK tôm đạt 250 triệu USD; 7 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu thu về trên 170 triệu USD, dẫn đầu cả nước. Tập đoàn này thu hút 5.000 lao động, có văn phòng đại diện ở Mỹ. Ông chủ của Minh Phú, người Hải Phòng, trước vào Cà Mau chỉ là người thu gom tôm buôn bán nhỏ lẻ, năm 1992 mới lập công ty, vốn điều lệ 120 triệu. Từ con tôm mà lên, ông trở thành tỷ phú, là chủ của những ông chủ. Cà Mau hay ĐBSCL với lợi thế nuôi trồng thủy sản như vậy, nếu có sự đầu tư tốt, thúc đẩy mọi người làm giàu, chắc chắn sẽ có hàng trăm, hàng ngàn Minh Phú, Nhà nước thu được thuế, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn người, bộ mặt xã hội lúc đó sẽ khác.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn, chân thành này!

>> “Cà Mau là quê hương Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đương nhiên Thủ tướng rất hiểu. Thủ tướng nói lãnh đạo tỉnh phải phấn đấu đưa Cà Mau trở thành một trung tâm nuôi tôm công nhiệp lớn nhất nước. Một ngày Đất Mũi được đầu tư xứng tầm, chắc chắn quê hương sông nước cuối trời này trở thành nơi giàu có nhất…”

Trần Cao

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!