Những năm qua, ngành thủy sản vượt qua muôn vàn khó khăn và thách thức để cùng nông dân làm giàu. Đến nay, khi phong trào nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến phát triển mạnh, con tôm Cà Mau lại đối mặt với khó khăn mới. Tuy nhiên, nó vẫn khẳng định đây là nghề phát triển kinh tế nhanh nhất.
Cách đây khoảng 5 năm, tôm chết hàng loạt, nhiều người phải thế chấp sổ đỏ vào ngân hàng để có vốn tiếp tục cải tạo ao đầm. Đến năm 2008 – 2009, tôm nguyên liệu rớt giá thê thảm. Khoảng giữa năm 2009, nghề nuôi tôm được đánh dấu bước sang giai đoạn mới.
Khi đề án thăng hoa
Thu hoạch tôm công nghiệp ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân (Cà Mau). Ảnh: HOÀNG DIỆU
Đó là lúc Đề án “Nâng cao năng suất và hiệu quả trong sản xuất tôm – lúa giai đoạn 2009 – 2012 và định hướng đến năm 2015” ra đời; cùng chủ trương đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích. Dần dần người dân nhận thức được tác dụng cải tạo môi trường, hạn chế rủi ro, việc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Đề án tôm – lúa như một luồng sinh khí mới, vực dậy sự phát triển của nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2011 ước đạt 295.900 ha, tăng gần 100% so với năm 1997; sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2011 ước đạt 250.400 tấn, tăng 4,4 lần so với năm 1997.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, bộc bạch: “Năm 2011 được xem như cột mốc đánh dấu sự thành công của đề án lúa – tôm. Theo đó, diện tích tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến tăng đột biến, góp phần rất lớn cải thiện tình hình thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản".
Năm 2010, diện tích nuôi tôm công nghiệp chỉ khoảng 1.500 ha, năm 2011 diện tích đó được mở rộng lên 3.307 ha (tăng 1.556 ha). Tôm quảng canh cải tiến là 3.500 ha (2010) tăng lên 10.000 ha trong năm 2011. Ngoài ra, diện tích lúa trên đất nuôi tôm cũng được cải thiện đáng kể từ năng suất đến chất lượng. Nhiều mô hình đa cây, đa con bền vững cũng được nhân rộng ở các địa phương.
Anh Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản, cho biết, diện tích tôm công nghiệp và tôm quảng canh cải tiến tăng nhanh. Giá cả ổn định ở mức cao nên người nuôi có lãi nhiều. Đề án nâng cao năng suất lúa – tôm bắt đầu phát huy hiệu quả, ý thức của người dân trong áp dụng khoa học – kỹ thuật ngày càng cao, nhiều mô hình điểm được triển khai nhân rộng.
Tuy nhiên, kinh tế thủy sản ở Cà Mau thời gian qua phát triển chưa được đồng đều. Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước phát triển mạnh mô hình tôm công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến; Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời làm tốt một vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương như huyện Ngọc Hiển và huyện Năm Căn nuôi tôm đạt hiệu quả không cao. Cụ thể, những vùng đất này không nuôi tôm kết hợp với trồng lúa được. Chỉ có thể phát triển nuôi tôm kết hợp với trồng rừng; tuy con tôm và cây rừng có thể tồn tại song hành nhưng để nâng cao năng suất trên diện tích tôm – rừng thì khó đạt được như kế hoạch đề ra.
Trong khi đó, vùng đất tôm – rừng rất khó có thể phát triển nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm quảng canh cải tiến. Bởi đất tôm – rừng khó giữ nước và xử lý kỹ thuật. Mặt khác, muốn làm đầm nuôi tôm công nghiệp hoặc nuôi tôm quảng canh cải tiến thì phải xâm hại đến cây rừng. Do đó, người nuôi tôm ở những khu vực này đang gặp phải tình trạng diện tích đất nuôi tôm rất lớn nhưng năng suất tôm nuôi lại không cao.
Vẫn còn “hụt hơi”
Ông Phạm Thanh Vân, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, bức xúc: “Vùng đất này không thể nào nuôi tôm công nghiệp hay tôm quảng canh cải tiến được, có chăng chỉ là nuôi tôm quảng canh truyền thống và có xử lý nước bằng chế phẩm sinh học. Tuy nhiên, do diện tích mặt nước không nhiều, diện tích rừng lớn nên chi phí xử lý nước rất tốn kém, nhiều người không đủ khả năng thực hiện”.
Là chủ nhiệm HTX nuôi tôm quảng canh cải tiến với 14,5 ha nhưng mỗi năm gia đình ông Hai Vân thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Tính ra, sau 1 năm nuôi tôm, 1 m2 đất thu về chưa được 1.000 đồng. Trong khi đó, mô hình của ông được đánh giá là có năng suất cao hơn so với các hộ nuôi khác trong vùng.
TP Cà Mau cũng đang đẩy mạnh mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp nhưng tốc độ còn rất chậm. Ảnh: HOÀNG DIỆU
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh là đến năm 2015 đạt 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng đề cương quy hoạch chi tiết cũng như lộ trình phát triển. Thế nhưng, việc diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch tăng đột biến trong năm 2011 đang là một thách thức lớn.
Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2011, diện tích nuôi tôm công nghiệp đã tăng gấp 2 lần, từ 1.500 ha năm 2010 lên 3.278 ha. Một thách thức mà ngay đầu vụ người nuôi tôm trong tỉnh đã gặp phải là tình trạng thiếu cơ giới phục vụ việc đào ao nuôi. Thách thức thứ hai là tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi bùng phát mạnh. Và do thắt chặt tín dụng cũng như việc cắt giảm đầu tư phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho vùng nuôi và ảnh hưởng đến vấn đề vay vốn để phục vụ sản xuất. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, lo lắng: “Mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt trong ban hành cơ chế chính sách phát triển vùng nuôi tôm công nghiệp nhưng tiến độ còn chậm. Cùng với sự phát triển ồ ạt diện tích tôm công nghiệp thì môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm trầm trọng, liên kết 4 nhà chưa được thực hiện tốt nên nông dân còn gặp nhiều rủi ro trong sản xuất. Đặc biệt, một số vùng như Năm Căn, Ngọc Hiển còn khó khăn trong tìm mô hình nuôi phù hợp”.
Đây là thời điểm mang tính chất quyết định để 10.000 ha tôm công nghiệp trở thành hiện thực trong năm 2015. Bởi khi nuôi tôm quảng canh truyền thống không còn bảo đảm thu nhập thì nông dân sẽ chuyển dần sang nuôi tôm quảng canh cải tiến và công nghiệp.
Tuy nhiên, thời điểm có tính chất quyết định này nếu không khống chế được tình hình dịch bệnh, cũng như chất lượng con giống, nguồn nước và chính sách hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật thì sẽ làm cho tình hình nuôi trồng thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Huỳnh Ngọc
Theo Báo Cà Mau