Xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, là 2 xã ven biển, nằm về hướng Tây của tỉnh. Trong những năm qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, vẫn có hàng trăm hộ gia đình tự đóng phương tiện nhỏ làm nghề đánh bắt trên biển không đảm bảo an toàn. Vì vậy, mỗi khi có áp thấp nhiệt đới, hoặc lốc xoáy bất ngờ xảy ra trên biển ngư dân luôn chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
2 xã hiện có trên 600 phương tiện hoạt động nghề khai thác thủy sản, số phương tiện có công suất 90 CV trở lên chỉ có hơn 50 phương tiện, còn lại là phương tiện nhỏ dưới 90 CV và dưới 20 CV. Bên cạnh, số hộ dân còn ở nhà tạm và sống ở khu vực ven biển chưa di dời được còn nhiều, nhất là số hộ dân trên tuyến đê biển Tây, nên mỗi mùa mưa bão đến thì trên địa bàn luôn có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn, Nhân dân bị thiệt hại nhiều hơn các địa phương khác.
Các chiến sĩ Ðồn Biên phòng Sông Ðốc tuyên truyền, vận động bà con ngư dân ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, không ra biển hoạt động khi thời tiết xấu.
Xác định rõ những mặt khó khăn của địa phương, nên ngay từ đầu năm, Ðảng ủy, UBND xã Khánh Bình Tây đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và triển khai đến từng cán bộ, công chức trong xã, ấp. Ðồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Ðồn Biên phòng Sông Ðốc thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân nêu cao tinh thần phòng, chống lụt bão, chấp hành nghiêm việc di dời khi có bão xảy ra, đặc biệt là những hộ dân sinh sống bên ngoài bờ đê gần mé biển thuộc khu vực ấp Kinh Hòn Bắc và trên 100 hộ của ấp Kinh Hòn.
Ông Châu Phương Hùng, ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây, vốn là nông dân quanh năm bám đồng ruộng, nhưng vì sản lượng thu hoạch mùa màng ngày càng thấp, cuộc sống gia đình khó khăn nên ông Hùng học theo người dân trong vùng mua phương tiện cũ ra biển làm nghề đặt lú bát quái.
Ông Hùng cho biết, mặc dù kinh nghiệm đi biển và kỹ thuật đánh bắt không có, nhưng để kiếm sống cho gia đình tôi phải liều đi theo anh em ở địa phương, mới đầu không quen, dần cũng quen. Biết mưa bão dông lốc rất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, vì vậy chỉ hoạt động gần mé bờ, thấy sóng lớn là chạy vào liền.
Trên thực tế, những năm qua, dọc tuyến ven biển của tỉnh Cà Mau đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn do dông lốc gây ra với ngư dân hoạt động gần bờ mà hậu quả của sự chủ quan đã phải trả giá. Dù đã 2 năm trôi qua nhưng anh Nguyễn Văn Nhân ngụ Ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh, vẫn chưa quên hình ảnh người vợ của mình bị sóng biển nhấn chìm trước sự bất lực của mình.
Anh Nhân cho biết, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng sắm chiếc xuồng nhỏ hằng ngày ra biển thả lưới. Khi đang kéo lưới để quay về bờ thì trời nổi dông, nổi sóng và chiếc xuồng lưới của vợ chồng anh Nhân bị đánh úp. Chị Thiệt không biết bơi nên bị sóng biển đẩy ra xa, anh Nhân thì kịp bám vào be xuồng còn lập lờ trên mặt nước. Cơn sóng dâng lên, khi đổ xuống anh chỉ kịp nhìn thấy cái nón lá của vợ còn nổi ở cách xa khoảng 50 m, còn vợ anh đã mất dạng trong lòng biển.
Tất cả đã quá muộn, khi mặt biển đang cuộn lên từng cột sóng, anh Nhân cố bám trụ bên be xuồng chờ người khác đến cứu vớt. Lênh đênh trên biển gần 4 giờ đồng hồ, anh may mắn được 1 ghe đánh bắt gần đó phát hiện cứu vớt kịp thời. 3 ngày sau người dân mới phát hiện xác vợ anh Nhân dạt vào khu vực gần cửa biển Ðá Bạc, huyện Trần Văn Thời.
Ðể giúp ngư dân hoạt động trên biển nhận thức thêm về tác hại của thiên tai, hằng năm, Bộ đội Biên phòng và Sở NN&PTNT đều phối hợp tổ chức tập huấn cho ngư dân trên địa bàn những kiến thức cơ bản về nhận biết bão, áp thấp nhiệt đới, cách điều động tàu tránh, trú bão, sơ cấp cứu người gặp nạn để chủ động đối phó với thiên tai khi xảy ra trên biển.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2016, áp thấp nhiệt đới, bão sẽ đến muộn và ít hơn trung bình nhiều năm. Dự báo sẽ có khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung vào các tháng cuối năm.
Với tinh thần chủ động, tích cực, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau luôn chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện, hiệp đồng, phân công nhiệm vụ cụ thể sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Cấp ủy chỉ huy đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ triển khai, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.