THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Cà Mau: Người nuôi sò huyết đang gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, việc nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được xem là mô hình làm ăn hiệu quả, giúp nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu và được bà con nông dân huyện Cái Nước duy trì, nhân rộng. Nhưng năm nay do thời tiết nắng hạn kéo dài, nhiệt độ và độ mặn tăng cao, gây thiệt hại hàng trăm héc-ta sò huyết. Nhiều hộ dân không còn vốn để tái đầu tư, cải tạo và mua sò huyết giống thả nuôi vụ tiếp theo.

Trước đây mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được thả nuôi nhiều theo ven tuyến sông Bảy Háp, vì nơi đây có nhiều phù sa và thủy triều lên xuống, thích hợp cho sò huyết phát triển. Gần đây, thấy giá sò huyết thương phẩm luôn ở mức cao (trung bình khoảng 80.000 đồng/kg) và đầu ra ổn định, thêm vào đó, nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm người nuôi chỉ đầu tư tiền mua con giống, không phải tốn kém bất kỳ chi phí thức ăn hay tiền thuốc phòng bệnh và không đòi hỏi kỹ thuật cao như nuôi tôm, nên việc nuôi sò huyết trong vuông tôm được lan tỏa nhiều nơi.

Vớt sò huyết bị thiệt hại đổ lên bờ vuông tôm để giảm ô nhiễm môi trường.  

Theo tính toán của những người có thâm niên nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm, cứ 1 kg sò huyết giống có trọng lượng từ 500 – 700 con/kg (vào thời điểm đầu năm 2015 giá khoảng 100.000 đồng/kg) thả xuống vuông tôm nuôi trong thời gian từ 8 – 9 tháng sẽ cho thu hoạch từ 5 – 7 kg sò huyết thương phẩm loại 60 con/kg. Riêng đối với những vuông tôm mới thả nuôi lần đầu, thức ăn tự nhiên còn dồi dào, sò huyết lớn rất nhanh và có thể cho thu hoạch lên đến 10 kg, trừ chi phí tiền con giống, người nuôi có lãi trên 500.000 đồng/kg sò huyết giống.

Vì thế, 1 ha nuôi sò huyết lãi từ 100 – 200 trăm triệu đồng. Từ đó, việc nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm phát triển khá mạnh ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện, như các xã: Trần Thới, Ðông Thới, Ðông Hưng và thị trấn Cái Nước.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện, huyện Cái Nước có tổng diện tích nuôi sò huyết trong vuông tôm khoảng 500 ha. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài những tháng qua đã có đến 50% diện tích bị thiệt hại, bà con hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Anh Trần Văn Ðồng, ấp Ðầm Cùng, xã Trần Thới, cho biết, vào thời điểm tháng 8/2015, gia đình anh đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua 1 tấn sò huyết giống thả nuôi trên diện tích hơn 1 ha, dự kiến đến khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2016 sẽ thu hoạch. Nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt, hạn hán kéo dài kèm theo nắng nóng gay gắt, làm cho nhiệt độ nước trong vuông tôm rất nóng, sò huyết bị thiệt hại hoàn toàn.

 Không riêng hộ anh Ðồng có diện tích nuôi sò bị thiệt hại, tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn huyện. Anh Nguyễn Văn Lộc, ấp Khánh Tư, xã Ðông Thới, than thở, thấy mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm có hiệu quả, gia đình dành dụm được hơn 20 triệu đồng mua sò huyết giống thả nuôi, hy vọng cuối năm thu hoạch có thêm một số vốn để tích lũy. Nào ngờ, khi thả nuôi được hơn 1 tháng cũng bị thiệt hại, nay muốn thả nuôi tiếp nhưng không có tiền mua sò huyết giống.

Khi sò huyết bị thiệt hại còn làm cho môi trường trong vuông tôm bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến tôm nuôi, phải tốn thêm khoản tiền thuê mướn nhân công mò sò chết đổ lên bờ vuông để hạn chế ô nhiễm.

Qua tìm hiểu thực tế, tuy mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm không phải tốn kém chi phí tiền thức ăn và thuốc phòng bệnh như nuôi các loài thuỷ sản khác, nhưng chi phí tiền đầu tư con giống khá cao, trung bình từ 50 đến hơn 100 triệu đồng tiền sò huyết giống. Ðây là khoản tiền không nhỏ đối với bà con nông dân, nhất là đối với những hộ dân mới thả nuôi lần đầu tiên bị thiệt hại. Ông Bùi Hoàng Dủ, Chủ tịch UBND xã Ðông Thới, chia sẻ, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đã được người dân nơi đây phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền vận động bà con nông dân nhân rộng, ngoài diện tích nuôi nhỏ lẻ, xã còn thành lập được 6 tổ hợp tác nuôi sò huyết có gần 100 thành viên tham gia, nhiều năm liền làm ăn có hiệu quả nên đời sống bà con nông dân luôn được khởi sắc. Nhưng những tháng mùa khô vừa qua, thời tiết nắng hạn kéo dài dẫn đến hầu hết diện tích thả nuôi nuôi sò huyết vào thời điểm đầu năm đều bị thiệt hại, làm cho đời sống bà con gặp không ít khó khăn. Hiện nay giá sò huyết thương phẩm trên thị trường khá cao, tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm trước đây, thời tiết cũng hết sức thuận lợi cho sò huyết phát triển, nhưng nhiều hộ không còn vốn cải tạo và mua con giống thả nuôi cho vụ thiếp theo.

Ðể mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm phát triển bền vững, nhằm đa dạng đối tượng nuôi thủy sản trên cùng diện tích sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình và xóa nghèo bền vững ở địa phương, Nhà nước nên có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng vốn, giúp bà con nông dân có điều kiện tái đầu tư sản xuất, mỗi khi xảy ra rủi ro thiệt hại do thời tiết.

Bài, ảnh: Việt Tiến

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!