(TSVN) – Hơn 2 tháng nay, tại huyện Ngọc Hiển, cua nuôi nhiễm bệnh chết ngày càng nhiều. Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương trong huyện, khiến chất lượng và sản lượng cua thương phẩm sụt giảm.
Theo người nuôi, do bị bệnh nên cua bỏ ăn, rong rêu đóng theo vành mép, bọng thịt, đồng thời, khi quan sát trong mang có ký sinh trùng bám. Một số con chết nổi trên mặt nước, số ít thì bò lên bờ rồi chết khô. Số bắt được, sau khi trói vài tiếng đồng hồ thì rụng càng, ngoe, sùi bọt rồi chết.
Qua rà soát tại ấp Ông Ðịnh, xã Tân Ân Tây, có hơn 60% hộ nuôi cua trong ấp đều chung tình trạng cua nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh. Mức độ thiệt hại từ 20 – 70%. Ngành chức năng khuyến cáo, bà con nhanh chóng thu hoạch số cua còn lại, tuyệt đối không thả thêm giống nối vụ vào thời điểm này. Riêng các diện tích có cua bị chết, thu gom rồi đem chôn, xử lý bằng vôi nóng. Tuyệt đối không được vứt cua chết ra sông, rạch để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra, hướng dẫn bà con cấp nước để nâng cao mực nước trong vuông và cắm thêm các nhánh chà thành nhiều cụm, vừa hạn chế ảnh hưởng nhiệt độ trước thời tiết nắng nóng, vừa làm nơi trú ẩn cho cua, tôm.
Hiện tượng cua chết tái diễn tại huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Hoàng Nam
Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển cho biết, những tháng gần đây nắng nóng gay gắt, nhiệt độ, độ mặn tăng cao, môi trường trong ao nuôi biến động, tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Từ sau Tết Nguyên đán, dịch bệnh trên cua nuôi tái diễn và ngày càng lan rộng ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện, gây ảnh hưởng đến kinh tế của bà con. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên cua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Phòng NN&PTNT đã ra thông báo khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao phát sóng trên hệ thống loa truyền thanh để bà con nắm, thực hiện. Ngoài ra, phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê số hộ và diện tích bị thiệt hại để đề xuất phương án hỗ trợ.
Được biết, phần lớn bà con nuôi cua trên địa bàn huyện Ngọc Hiển theo hình thức kết hợp nuôi tôm, cá, sò huyết… Nông dân quen với tập quán canh tác truyền thống là thu tỉa, thả bù, tận dụng thời gian sản xuất quanh năm, ít áp dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình nuôi. Thời gian tới, huyện tăng cường mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cần thiết, trọng tâm về kỹ thuật cải tạo, xử lý ao đầm, nguồn nước, mật độ thả giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh… giúp bà con giảm tối đa thiệt hại và nâng cao thu nhập. Ðồng thời, nhân rộng những mô hình nuôi hiệu quả, nhất là nuôi cua quảng canh có sử dụng chế phẩm sinh học, góp phần tăng năng suất, chất lượng cua thương phẩm và phát triển bền vững nghề nuôi cua.
Hương Thảo