Huyện Phú Tân có hệ sinh thái rừng ngập mặn, được phân bố dọc theo ven biển với chiều dài 37 km, 2.637 ha rừng phòng hộ, nằm trên địa phận các xã: Phú Tân, Tân Hải, Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm.
Rừng ngập mặn ven biển của huyện có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, chống sạt lở, bảo vệ môi trường và giúp nuôi trồng thủy sản bền vững.
Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ là nhiệm vụ hết sức phức tạp và nhiều khó khăn. Tình trạng người dân định cư, chặt phá rừng trái phép diễn ra thường xuyên.
Năm 2006, Sở NN&PTNT cho phép huyện Phú Tân hợp đồng giao khoán đất rừng phòng hộ để quản lý bảo vệ rừng và kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng. Đến nay, tổng diện tích được giao khoán 61,5 ha, gồm 17 hộ thuộc ấp Cơi 6B, xã Nguyễn Việt Khái và thị trấn Cái Đôi Vàm.
Nhìn chung, qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời rừng được bảo vệ tốt hơn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân trong việc thuê quản lý bảo vệ rừng, kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng.
Anh Nguyễn Văn Tấn (áo trắng) mỗi năm lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi ốc len.
Ông Nguyễn Văn Tấn, ấp Cơi 6B là điển hình. Từ 6 ha đất rừng được giao khoán từ năm 2006, mỗi vụ nuôi anh thả khoảng 2 tấn ốc len giống, khoảng 5-7 tháng thu hoạch, thu lãi trên 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Tấn chia sẻ, con giống ở địa phương nên rất dễ nuôi. Chỉ bỏ công quản lý, không phải cho ăn.
Thông qua phương tiện thông tin đại chúng cũng như tình hình thực tế tại địa phương, anh nhận thức được tác hại trước mắt và lâu dài của việc khai thác, chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xói lở nghiêm trọng ở vùng ven biển, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Do đó, bên cạnh lợi nhuận trước mắt về kinh tế, anh cũng mong muốn tiếp tục được giữ rừng để đóng góp phần công sức nhỏ cùng với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương hướng đến lợi ích lâu dài. Đó cũng là trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống của chính mình.
Hiệu quả kinh tế từ mô hình này mang lại rất khả quan, bởi hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi lý tưởng để ốc len phát triển, mức hao hụt thấp và chất lượng ốc thương phẩm cao. Ốc len thương phẩm tại địa phương thương lái mua với giá 50.000 đồng/kg trở lên. Như vậy, bình quân 1 ha đất rừng nuôi ốc len, người dân thu lãi trên 10 triệu đồng.
Ngoài ốc len, người dân còn có thể nuôi thêm cá kèo, cua… Từ đó, có thu nhập ổn định, góp phần xoá đói giảm nghèo. Mặt khác, họ còn thực hiện cam kết gìn giữ và bảo vệ diện tích rừng phòng hộ được giao khoán.
Ông Dương Đặng Vinh, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Tân, đánh giá: “Đến nay, mô hình tương đối đạt hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cho bà con nông dân, quản lý bảo vệ rừng. Qua tuần tra kiểm tra, tình trạng chặt phá đối với khu vực nuôi ốc len này hầu như không xảy ra, cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt”.
Việc giao khoán đất cho dân canh tác, gắn với việc giữ rừng, bảo vệ rừng là một trong những hướng đi đúng, có hiệu quả, bởi “dân được lợi, rừng được bảo vệ”. Thiết nghĩ, sắp tới cần tiếp tục nhân rộng mô hình trên nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng “xẻ thịt rừng” vốn đã và đang diễn biến gay gắt ở các địa phương.
Mặt khác, đây có thể là một trong những giải pháp giúp xoá đói giảm nghèo đối với những hộ dân sống ven biển. Nuôi ốc len dưới tán rừng có thể là hướng mở tạo nên khu du lịch sinh thái mà huyện Phú Tân đang hướng đến.