Cà Mau: Nuôi thủy sản: Mùa vụ mới, triển vọng mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2011 là năm tạo một bước ngoặt quan trọng trong nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, nổi trội nhất là nghề nuôi tôm với những bước tiến dài cả về diện tích cũng như năng suất và chất lượng.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản, đánh giá, mặc dù năm qua ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về nguồn vốn, thời tiết khí hậu, dịch bệnh cũng như trình độ kỹ thuật của người dân. Song, những kết quả mà ngành đã đạt được trong năm qua hơn cả mong đợi.

Xuất khẩu tôm đứng đầu.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định, luôn duy trì ở mức 296.300 ha, trong đó tôm công nghiệp đạt 3.307 ha. Tổng sản phẩm tôm đạt trên 130.883 tấn, tăng 6,4% so với 2010. Một điểm nhấn khẳng định sự phát triển của ngành trong năm qua là kim ngạch xuất khẩu đạt trên 910 triệu USD. Cà Mau vươn lên trở thành tỉnh có sản lượng tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Từ những kết quả đạt được, bước sang vụ nuôi mới năm 2012, nhiều địa phương bắt tay ngay vào mùa vụ, không riêng gì các huyện có thế mạnh trong nuôi tôm công nghiệp như Đầm Dơi, Phú Tân. Bí thư Huyện ủy Năm Căn Trần Văn Hiện cho biết, huyện sẽ chỉ đạo kỳ quyết trong năm là hoàn thành chỉ tiêu phát triển 200 ha nuôi tôm công nghiệp.

Về chất lượng tôm giống, ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục Nuôi trồng thủy sản, khẳng định, công tác quản lý chất lượng giống đã được nâng lên một bước đáng kể, từ khi Quyết định 694 và Chỉ thị số 09 của UBND tỉnh về việc kiểm tra chất lượng giống được ban hành. Đây là những cơ sở pháp lý để các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn giống trong tỉnh cũng như giống nhập nội.

Thu hoạch tôm công nghiệp ở huyện Cái Nước (Cà Mau).

Năm 2012, kế hoạch sản xuất của tỉnh là 25.000 ha tôm quảng canh cải tiến và 5.000 ha tôm công nghiệp. Từ những kết quả đạt được trong vụ mùa năm 2011 thì kế hoạch này hoàn toàn có thể thực hiện được. UBND tỉnh cũng vừa có Chỉ thị 01 về đẩy mạnh các giải pháp phát triển nuôi tôm công nghiệp và Quyết định 06 của UBND tỉnh về việc ban hành các cơ chế chính sách phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Trung cho biết thêm, một tín hiệu vui cho nghề nuôi tôm trong năm mới là tình hình tôm chết đã có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên tôm nuôi. Năm nay, Chi cục Nuôi trồng thủy sản cũng sẽ bắt đầu triển khai trong dân mô hình nuôi tôm theo quy trình GAP. Đây là giải pháp giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận thị trường nước ngoài một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Triển vọng mới

Đối với 2 loại hình nuôi tôm công nghiệp và tôm quảng canh cải tiến, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, đây là 2 loại hình được lãnh đạo quan tâm chỉ đạo kỳ quyết trong năm 2012. Đồng thời, nếu 2 loại hình nuôi này phát triển mạnh thì năng suất sẽ được nâng lên đáng kể.

Nếu thời gian tới Cà Mau giữ được phong độ như năm 2011 thì chỉ tiêu phát triển 10.000 ha tôm công nghiệp vào năm 2015 sẽ dễ dàng đạt được. Một điều đáng phấn khởi nữa là hiện nay chất lượng cũng như số lượng giống trong tỉnh tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây số lượng giống chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân thì sang năm 2011 con số này đã lên đến 60%.

Một khó khăn được dự đoán lớn nhất trong năm vẫn là môi trường bị ô nhiễm do bị ảnh hưởng xả thải từ khu vực dân cư và khu sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, trong phát triển tôm công nghiệp chưa có sự gắn kết được sản xuất quy mô lớn, chưa có sự liên kết của nông dân và doanh nghiệp để tạo ra những vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa.

Hiện nay, những khó khăn này đang dần được khắc phục khi đề án quy hoạch vùng, cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn đang dần được hình thành.

Anh Đàm Vũ Linh, chuyên viên phụ trách thủy sản TP Cà Mau, cho biết, hiện hai cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã Hòa Tân, Hòa Thành và phường 6 đã được phê duyệt với tổng diện tích 1.302 ha. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp như hệ thống lưới điện 3 pha, đường và hệ thống thủy lợi.

Đồng thời, hiện các ngành chức năng đang chuẩn bị tổ chức gặp gỡ một số doanh nghiệp thủy sản và nhân dân trong 2 cụm nuôi tôm công nghiệp trên nhằm thống nhất phương án đầu tư. 1 trong 2 phương án sẽ được lựa chọn: một là nhân dân cho doanh nghiệp thuê đất hoàn toàn theo giá thỏa thuận; hai là nhân dân góp đất, doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học – kỹ thuật, lợi nhuận chia theo thỏa thuận.

Ngoài ra, để thúc đẩy ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của tỉnh có đủ điều kiện phát triển nhanh trong thời gian tới, ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư, khẳng định, tỉnh sẽ có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tỉnh sẽ dành nhiều ưu tiên cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, thức ăn cho tôm, tôm giống cùng một số ngành nghề phụ trợ cho nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Nguyễn Phú

Theo Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!