Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời là thị trấn ven biển, người dân đa phần sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Việc mở rộng khai thác kéo theo nhu cầu về nhân công vá lưới có tay nghề ngày càng tăng. Đặc biệt là những chị em có tính cẩn thận, khéo léo, chăm chỉ luôn được chủ tin cậy và thuê với giá cao. Xuất phát từ nhu cầu đó, đã có nhiều tổ phụ nữ vá lưới được thành lập, tiêu biểu ở địa bàn khóm 2, thị trấn Sông Đốc.
Bà Lê Thị Nhanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, cho biết, khóm 2 là một trong những khóm có đông chị em làm nghề vá lưới nhất ở thị trấn. Nhằm giúp các chị hoạt động có tổ chức, có sự đoàn kết, thi đua cùng nhau tiến bộ, từ năm 2011, Chi hội Phụ nữ khóm 2 vận động chị em thành lập các tổ phụ nữ vá lưới, đến nay đã có 3 tổ với 68 tổ viên.
Nghề vá lưới đã giúp chị em phụ nữ khóm 2, thị trấn Sông Đốc có thu nhập khá ổn định.
Mỗi khi hết con nước đi biển ghe vô, các chị tập trung xuống ghe vá lưới. Với hình thức này, giá ngày công lao động khoảng 100.000-120.000 đồng/người. Khi ghe ra, các chị tiếp tục đến nhà chủ vá lưới với giá khoảng 85.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, các chị có thể nhận lưới về nhà vá; 1 tay lưới khoảng 130 m có giá trên 2,4 triệu đồng. Ðể rút ngắn thời gian làm việc, các chị thường vá vần công cho nhau. Cái hay ở hình thức này là các chị tự giác và nhiệt tình giúp nhau cùng hoàn thành công việc. Qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ của các thành viên trong tổ.
Bà Lê Thị Nhanh cho biết thêm: “Lúc mới thành lập, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhất là phải tự liên hệ với chủ ghe để được vá lưới. Một thời gian sau, do chủ thấy được chị em vá giỏi, chăm chỉ nên dần tin tưởng. Giờ thì hết nước ghe vô, chủ ghe sẽ liên hệ với tổ trưởng, tổ trưởng phân công công việc cho các tổ viên”.
Tham gia tổ phụ nữ vá lưới không chỉ giúp chị em có công việc ổn định, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, chị em còn có thể để dành được một khoản thu nhập cho gia đình. “Trước đây, mọi chi phí trong gia đình tôi đều phụ thuộc vào thu nhập từ nghề đi biển của ông xã. Từ khi đi vá lưới, nhất là vào tổ phụ nữ vá lưới ở khóm, tôi có thêm thu nhập ổn định. Hằng tháng còn để dành được một khoản tiền phòng khi gia đình gặp khó khăn”, chị Nguyễn Thị Loan, tổ viên tổ phụ nữ vá lưới khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ.
Không chỉ đoàn kết trong công việc, các chị trong tổ còn lập quỹ góp vốn xoay vòng, cho mượn không tính lãi. Mỗi tháng, các tổ viên góp 200.000 đồng/người. Tổng số tiền thu được của tháng đó sẽ cho 1 chị trong tổ mượn, ưu tiên chị nào có hoàn cảnh khó khăn được nhận trước. Số tiền này sẽ hoàn trả lại trong vòng 26 tháng. Ðiển hình như tổ 3 đã có 12/26 tổ viên được nhận với tổng số tiền trên 62 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thu Hồng, tổ viên tổ phụ nữ vá lưới khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, có 1 người con trai đang học năm 3 đại học, vui mừng cho biết: “Trước đây gia đình tôi còn khó khăn. Từ khi vào tổ phụ nữ vá lưới, được chị em trong tổ giúp đỡ, cuộc sống gia đình giờ đây đã ổn định hơn trước, có tiền lo cho con ăn học”.
Bên cạnh đó, các chị còn đóng góp quỹ tháng 100.000 đồng/người. Số tiền này để thăm hỏi chị em trong tổ khi ốm đau hay các dịp lễ, Tết, nhất là tổ chức 8/3 hằng năm với các hoạt động như thi nấu ăn, hái hoa dân chủ…
Bà Phan Hồng Như, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Ðốc, nhận xét: “Các tổ phụ nữ vá lưới ở khóm 2 hoạt động rất tốt, giúp chị em có thêm thu nhập. Nhờ đó, các chị giải quyết được những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và nuôi con ăn học. Ngoài ra, còn là dịp để chị em có thể gặp gỡ, giao lưu sau những buổi làm việc mệt nhọc”.
Tổ phụ nữ vá lưới khóm 2, thị trấn Sông Ðốc không chỉ góp phần giúp chị em có công việc ổn định và giảm nghèo bền vững, mà còn tạo điều kiện để các chị tham gia vào phong trào phụ nữ ở địa phương.