(TSVN) – Sau khi tiếp nhận thông tin giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Cà Mau biến động từ đầu tháng 7, chiều ngày 13/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Mục đích của cuộc họp để rà soát, triển khai các giải pháp ổn định sản xuất và bình ổn giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Cà Mau, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bắt đầu có biến động từ đầu tháng 7, chủ yếu là TTCT. Cụ thể, TTCT cỡ 20 con/kg giảm từ 217.000 đồng/ kg xuống còn 208.000 đồng/kg, TTCT khác cũng sụt giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg đối với từng loại kích cỡ. Riêng giá tôm sú tăng 5.000 đồng/kg ở hầu hết các kích cỡ, dao động từ 155.000 – 220.000 đồng/kg.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Vì hiện tại, các yếu tố thị trường đầu ra đang tăng trưởng trở lại. Nguyên nhân khiến giá tôm biến động phần nhiều vẫn là do tâm lý hoang mang của người nuôi.
Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các ngành liên quan tiếp tục tìm hiểu, so sánh giá thu mua bình quân của doanh nghiệp tại nhà máy và giá của đại lý thu mua tại ao nuôi để tìm hiểu xem có hay không việc thương lái lợi dụng tình hình dịch bệnh hoặc khó khăn của doanh nghiệp để trục lợi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm trấn an tâm lý người dân; khuyến cáo người dân không nên thu hoạch sớm tôm khi chưa đạt kích cỡ để bán, tránh trường hợp bị ép giá. Kịp thời thông tin đến người dân và doanh nghiệp diễn biến nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm và giá cả để người dân chủ động trong sản xuất.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị từng doanh nghiệp rà soát lại điều kiện phòng chống dịch, nhất là khu vực nhà ăn, chỗ ở tập thể để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Việc tổ chức sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ” gồm: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ để nâng cao ý thức phòng bệnh.
Trước mắt, tỉnh sẽ hỗ trợ và thử nghiệm phương án này với Công ty cổ phần thuỷ sản Cà Mau (Seaprimexco). Ngoài ra, có thể tính đến phương án tận dụng các cơ sở trường học gần nhà máy đang trong thời gian nghỉ hè để bố trí làm nơi ăn ngủ cho công nhân duy trì chuỗi sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân ổn định tâm lý, giữ chân công nhân yên tâm làm việc.