Cà Mau: Trăn trở bãi nghêu

Chưa có đánh giá về bài viết

Được thiên nhiên ưu đãi với bãi bồi giàu tiềm năng, song nhiều người dân bãi bồi xã Đất Mũi (Cà Mau) vẫn khốn đốn trong cuộc sống. Chỉ tính riêng nguồn lợi từ các loại giống có sẵn trong tự nhiên, khó có tỉnh nào trong nước có thể sánh bằng. Nhưng do tổ chức quản lý, khai thác, sản xuất không tốt khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn.

Không chỉ được ưu đãi về nguồn lợi tự nhiên mà khu bãi bồi còn có tiềm năng phát triển nghề nuôi thủy sản gần bờ, trong đó tiêu biểu là nuôi nghêu thịt và sò huyết. Thế nhưng, do chồng chéo trong quản lý, tổ chức sản xuất đã biến “mỏ vàng” của bãi Khai Long thành nơi chôn vốn của hơn 1.000 xã viên trong 16 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu thịt trên địa bàn. Sau gần một năm tổ chức thả nuôi, đến nay con nghêu đã trở thành sự nuối tiếc của người dân.

 

Cụt vốn trong “mỏ vàng”

 

Khai thác trái phép nghêu giống mỗi khi vào mùa vụ ở bãi Khai Long. Ảnh: Anh Dũng

 

Ông Phan Quốc Việt, Phó Ban quản lý vùng nuôi và các HTX nuôi nghêu trên bãi Khai Long, cho biết, tính bình quân toàn bộ 431 ha nuôi nghêu thịt của 16 HTX chỉ thu hồi được khoảng 20 – 25% vốn. Cá biệt, có những hợp tác xã chỉ thu hoạch được khoảng vài phần trăm, mỗi xã viên lỗ từ vài trăm triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.

Câu chuyện thua lỗ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ngoài việc do nghêu chết trong tháng 4/2011, theo ông Việt, một lý do khiến người nuôi nghêu thịt thua lỗ là việc khai thác nghêu giống vượt tầm kiểm soát như vừa qua. Không phải người khai thác nghêu giống lấy hay trộm nghêu thịt trong vùng nuôi mà chính hoạt động khai thác làm phá vỡ môi trường bãi nuôi.

Ông Trần Văn Sáu tâm tình, không chỉ ông tiếc cho vốn đã bỏ ra trong vụ nuôi nghêu thịt mà tiếc vì không thể làm giàu trên mảnh đất quá nhiều tiềm năng này. Vụ nuôi nghêu vừa qua ông lỗ gần cả tỷ bạc, nhưng theo ông, nếu quy hoạch và quản lý tốt thì chỉ cần một vụ nuôi là có thể lấy lại vốn.

Chưa có hướng đi, giải pháp cụ thể cho bãi nghêu Khai Long nên nhiều người dân xã Đất Mũi đang đứng trước tình cảnh “bỏ thì thương mà vương thì lỗ”. Ông Việt cho biết thêm, hiện chỉ có vài hộ tiếp tục đầu tư thả thêm giống cho vụ nuôi tới.

Kể từ khi người dân phát hiện nguồn lợi từ nghêu giống cũng như khả năng phát triển nghề nuôi nghêu trên bãi bồi, nhiều phương án quản lý, tổ chức sản xuất và khai thác đã được đưa ra. Song, đến nay, các phương án đó vẫn không thể khắc phục được tình trạng khai thác tràn lan theo kiểu tận diệt trên vùng bãi bồi.

 

Đâu là hướng đi?

Vụ “cướp nghêu” vượt tầm kiểm soát trong mùa giống vừa qua là hồi chuông báo động cho cách tổ chức quản lý ở đây. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thông qua nhiều hội thảo bàn về giải pháp cho bãi nghêu, tỉnh đã cơ bản đưa ra được phương án quản lý, sản xuất và khai thác giống thủy sản tại xã Đất Mũi.

Theo đó, phương án sản xuất khả thi là thu hồi lại phần diện tích bãi bồi đã giao cho các HTX để thành lập 1 HTX duy nhất. Thông qua HTX này sẽ quản lý và sắp xếp lại toàn bộ các hoạt động của bãi bồi từ tổ chức khai thác giống cho đến tổ chức ươm giống thủy sản và tổ chức nuôi nghêu thương phẩm.

 

Không kể ngày đêm, nắng mưa trên bãi cát dài của ấp Khai Long, xã Đất Mũi luôn có rất nhiều người khai thác nghêu giống mỗi khi vào con nước. Ảnh: Thanh Quang

 

Đối với việc quản lý hoạt động khai thác giống, HTX tiến hành thành lập tổ, đội theo từng ấp, từng tổ tự quản, đối tượng khai thác là những hộ có cuộc sống khó khăn của xã. Ngoài ra, các xã viên HTX quyết định thời gian, phạm vi, kích cỡ khai thác theo quy hoạch và sản phẩm khai thác bán cho HTX để phục vụ công tác ươm giống. Người khai thác sẽ được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm lao động của mình.

Thế nhưng, xem ra phương án tổ chức sản xuất trên vẫn chưa ổn. Với góc độ quản lý của địa phương, Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển Lê Văn Sử nhận định, việc chỉ cho các hộ có cuộc sống khó khăn tham gia khai thác nghêu thì khó tránh khỏi tình trạng lộn xộn như vụ mùa vừa qua tái diễn, do nguồn lợi từ nghêu giống quá lớn. Còn chuyện chỉ bán giống khai thác cho HTX theo giá thỏa thuận sẽ khó cạnh tranh, cũng như quản lý được các thương lái đến từ tỉnh khác.

Mùa nghêu giống đang đến gần nhưng đến nay việc đưa ra phương án sản xuất một cách tối ưu cho bãi bồi vẫn chưa hoàn chỉnh. Nếu không nhanh chóng đưa ra giải pháp hợp lý nhất thì tình trạng khai thác nghêu vượt tầm kiểm soát như mùa giống 2011 sẽ tái diễn.

Điều đó không những làm mất trật tự an ninh địa phương mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên. Không khéo, “mỏ vàng” sẽ trở thành mảnh đất “chết” trong tương lai không xa.

Nguyễn Phú

Theo Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!