THỨ TƯ, ngày 7/5/2025

Cà Mau: Triển vọng nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh CTU – RAS

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Dự án “Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS) tại tỉnh Cà Mau” hiện đã cho kết quả tích cực, đạt các chỉ tiêu đề ra.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Ngành nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Trong đó, tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) là đối tượng nuôi quan trọng với sản lượng không ngừng tăng qua các năm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây ở các tỉnh ĐBSCL, nuôi nuôi đang gặp rất nhiều trở ngại như nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh luôn tiềm ẩn, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt làm nhiệt độ tăng cao, lượng mưa không theo quy luật, xâm nhập mặn và hạn hán ngày càng tăng làm tôm nuôi chết hàng loạt. Vì thế, việc nghiên cứu sử dụng các tác nhân sinh học là xu hướng tích cực góp phần ổn định môi trường và hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi.

Năng suất tôm trung bình ở 3 mô hình đạt 4,28 kg/m2. Ảnh: Loan Phương

Nuôi các đối tượng thủy sản trong hệ thống RAS có rất nhiều lợi ích như các yếu tố môi trường ổn định ít bị biến động, hạn chế được dịch bệnh, không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên sản phẩm nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Ngoài ra,việc kết hợp đa loài trong hệ thống nuôi cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng nước, rong biển sẽ hấp thu các chất thải đạm từ nước tôm nuôi và đồng thời tôm cũng sẽ sử dụng rong biển để làm thức ăn.  

Dễ thực hiện

Trước thực tế trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã phối hợp thực hiện Dự án “Ứng dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài tại tỉnh Cà Mau” được triển khai từ tháng 6/2023 – 6/2025. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong hệ thống tuần hoàn kết hợp đa loài (CTU-RAS) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Đến nay, sau gần 2 năm triển khai, dự án được đánh giá là khả thi với những kết quả tích cực. Từ mô hình thực nghiệm tôm nuôi từ 70 – 90 ngày ở 3 mô hình, kết quả cho thấy: Các yếu tố môi trường rất ổn định; khối lượng tôm thu được trung bình ở 3 mô hình khoảng 26,2 g/con, tỷ lệ sống trung bình của tôm là 61,7%, năng suất trung bình là 4,28 kg/m2 (42,8 tấn/ha/vụ). Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh CTU – RAS thực hiện thành công tại tỉnh Cà Mau, đạt các chỉ tiêu đề ra.

GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chủ nhiệm dự án cho biết: “Ưu điểm của mô hình là thân thiện môi trường, với hệ thống lọc nước tuần hoàn, nước thải và chất thải được xử lý qua lọc sinh học; tiết kiệm diện tích do diện tích lọc sinh học xử lý nước chỉ chiếm 25 – 30% tổng diện tích nuôi. Tôm nuôi đạt năng suất và sản lượng cao. Mô hình có thể nhân rộng cho các nông dân, công ty, doanh nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh tại tỉnh Cà Mau tạo sản phẩm sạch, tự nhiên, chất lượng cao, an toàn thực phẩm (không dùng kháng sinh, sử dụng thức ăn tự nhiên). Mô hình có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, có thể ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào quản lý, vận hành”.

Ngoài ra, mô hình có thể triển khai ở các quy mô lớn – nhỏ khác nhau, ở vùng ven biển hay đặc biệt là vùng đồ thị nội địa,…

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!