Cà Mau ưu tiên tái tạo nguồn lợi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thả con giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản” là hoạt động thường niên của ngành nông nghiệp Cà Mau, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ven biển; từng bước tái tạo nguồn thủy sản có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng.

Vùng biển tỉnh Cà Mau có diện tích khai thác khoảng 71.000km2, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên gần đây, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu bị suy giảm nên cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp khôi phục. 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cà Mau đã thả nhiều đợt giống tôm cá xuống sông và khu vực biển để tái tạo nguồn lợi thủy hải sản với tổng kinh phí thực hiện trên 900 triệu đồng. Cùng với hoạt động thả tôm giống về môi trường thiên nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.

Thả con giống, tạo chỗ trú ngụ nhân tạo cho tôm cá là hoạt động thường xuyên của Cà Mau trong nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Hoàng Nam 

Song song với đó, cơ quan chuyên môn tỉnh Cà Mau còn thực hiện biện pháp thả rạn nhân tạo để tạo nơi trú ẩn cho các loài hải sản. Dự án được triển khai từ năm 2019, đến nay đã có 900 khối rạn bê tông được thả xuống vùng biển ngoài khơi Cà Mau, với chu vi hơn 5,6km. Kết quả có gần 100 loài tôm cá về khu vực rạn nhân tạo trú ẩn, trong đó có hàng chục loài mới. Dự án đã giúp sản lượng khai thác trung bình và thu nhập của ngư dân đánh bắt ở khu vực xung quanh được tăng lên, nhờ vậy người dân địa phương có ý thức hơn trong khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các xã triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng các ngư cụ khai thác, xung điện bắt một cách huỷ diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Thùy Khánh 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!