Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tôm nuôi ở Cà Mau liên tục bị dịch bệnh chết thời gian qua được cho là chất lượng con giống kém. Phần lớn người dân không xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi.
Chính vì vậy, để góp phần cùng bà con kiểm soát đầu vào, hạn chế dịch bệnh trên tôm, kể từ mùa vụ thả nuôi này, tỉnh Cà Mau xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo.
Tuy nhiên, qua gần 3 tháng triển khai thực hiện thí điểm đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí theo Quyết định số 954 của UBND tỉnh, mặc dù đã chú trọng đến công tác tuyên truyền nhưng đến nay chỉ có 1 trường hợp đem tôm đến xét nghiệm miễn phí.
Người nuôi tôm cần mang mẫu đi xét nghiệm trước khi quyết định mua giống thả nuôi – Ảnh: Hoàng Diệu
Hộ nghèo và cận nghèo ít đất và họ không vốn đầu tư nuôi tôm công nghiệp hay quảng canh cải tiến mà chỉ nuôi tôm theo kiểu truyền thống, mỗi đợt chỉ thả nuôi vài chục ngàn con tôm giống. Vì vậy, họ chủ quan không đem tôm giống đi xét nghiệm. Mặt khác, nếu đợt này xét nghiệm, đợt sau không xét nghiệm thì sẽ có sự lây truyền mầm bệnh từ đợt trước với đợt sau. Trong khi đó, đề án quy định mỗi hộ dân được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí 1 mẫu/năm. Nhưng trong thực tế, người dân thả rất nhiều đợt trong năm. Đây cũng chính là nguyên nhân người dân chưa thật sự quan tâm đến đề án.
Anh Phạm Văn Thọ, ấp Lung Dòng, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, nghe thông tin trên báo, đài về triển khai đề án xét nghiệm tôm giống miễn phí, anh rất mừng. Nhưng do điều kiện đi lại xa, không nắm được thủ tục. Mỗi lần thả giống nuôi chỉ vài chục ngàn con nên không đem tôm giống đi xét nghiệm.
Chị Phan Thị Mỹ Hảo, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, cho biết, do ít đất sản xuất, mỗi lần thả tôm nuôi từ 2-3 chục ngàn con, nếu xét nghiệm đợt này, đợt sau không xét nghiệm thì sẽ có sự lây truyền mầm bệnh.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, đề án được triển khai còn gặp nhiều khó khăn, toàn tỉnh chỉ có 3 điểm xét nghiệm. Trong khi các hộ dân lại ở rất xa nơi xét nghiệm bệnh tôm, chi phí đi lại khá cao, khiến nhiều bà con e ngại. Phần lớn các hộ nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến nên bà con, đăc biệt là đối với những hộ nghèo rất ít xét nghiệm con giống.
Mục tiêu của đề án từng bước nâng cao ý thức của người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống sạch bệnh, góp phần hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng tôm giống và tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống.
Đối tượng được hỗ trợ tất cả hộ nghèo và cận nghèo đang nuôi tôm trên địa bàn tỉnh với các hình thức nuôi như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh được hỗ trợ 100% phí xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với bệnh còi, đốm trắng và đầu vàng. Mỗi hộ được hỗ trợ xét nghiệm 1 mẫu/năm.
Đây là đòn bẩy nhằm giúp cho người nuôi tôm Cà Mau xây dựng mô hình nuôi bền vững. Theo đó, khoảng 31.000 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn sẽ được hỗ trợ phí xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi. Thời gian thực hiện từ tháng 7/2012 đến hết năm 2013 với tổng kinh phí thực hiện toàn đề án khoảng 15 tỷ đồng.
Hiện công tác quản lý con giống còn nhiều hạn chế, trong sản xuất còn sử dụng nhiều kháng sinh, hoá chất, ý thức của người nuôi tôm chưa cao, còn sử dụng con giống thả nuôi rẻ tiền không qua xét nghiệm. Từ đó làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của nghề nuôi tôm trong tỉnh.