Cá mú chấm cam (Orange spotted grouper) có giá trị kinh tế cao, đang được phát triển nuôi ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Thử nghiệm rộng rãi
Cá mú chấm cam (tên khoa học là Epinephelus coioides) thường được nuôi trong lồng lưới nổi hoặc trong ao đất, nhưng ở Đông Nam Á nuôi lồng là phổ biến. Năm 1979, trại Penghu thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản Đài Loan (TFRI) đã bắt đầu cho sinh sản nhân tạo bằng cách sử dụng kỹ thuật hormone đối với loài cá mú chấm cam, một trong 2 loài cá mú chính được nuôi ở Đài Loan. Bahrain cũng đã tiến hành sản xuất thử nghiệm hàng loạt cá giống vào năm 1992. Nuôi cá mú chấm cam trong ao đã trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nghề nuôi tôm thâm canh ở nhiều quốc gia, nơi vấn đề quản lý đã buộc người nuôi phải bỏ nghề nuôi tôm.
Cá mú chấm cam là loài rộng nhiệt, rộng muối, xuất hiện ở phía tây Ấn Độ Dương từ phía Nam Biển Đỏ cho tới Natal và phía đông cho tới Tây Thái Bình Dương, nơi nó được phân bố từ đảo Ryukyu tới New South Wales. Cũng có thể tìm thấy loài cá này ở khu vực phía Đông vào Châu Đại Dương chỉ từ Paula ở Bắc bán cầu và Fiji ở phía Nam. Cá mú chấm cam thường sống ở rạn san hô ven biển, vùng nước lợ đáy là bùn đất. Cá giống sống ở nơi có vùng nước nông tại các vùng triều trên nền đáy cát, bùn, sỏi và các rừng ngập mặn. Thức ăn của chúng ăn cá nhỏ, tôm, cua..
Cá sinh sản từ tháng 3 đến tháng 6, con cái trưởng thành có chiều dài từ 25 – 30 cm, độ tuổi từ 2 – 3 năm. Quá trình chuyển đổi giới tính xuất hiện khi cá đạt chiều dài 55 – 75 cm. Sức sinh sản cá cái đạt từ 850.000 – 2.900.000 trứng tùy thuộc vào kích cỡ con cái. Trứng cá nổi, có tỷ lệ sống của ấu trùng cao nhất ở nhiệt độ 300C và độ mặn 30‰.
Tiềm năng nuôi thương phẩm
Cá mú chấm cam được nuôi thương phẩm chủ yếu là 2 hình thức là nuôi ao đất và và nuôi lồng.
Nuôi trong ao đất: Ao sau khi chuẩn bị cải tạo xong và được bón phân tạo thức ăn tự nhiên. Cá rô phi trưởng thành được cho vào ao với mật độ 5.000 – 10.000 con/ha để tạo ra cá con làm thức ăn sống cho cá mú. Cá mú giống có chiều dài 6 cm thả nuôi với mật độ 5.000 -10.000 con/ha ít nhất sau 1 tháng kể từ khi thả cá rô phi. Hàng tuần, phân loại cá tránh hiện tượng phân đàn cá lớn ăn cá bé, cạnh tranh về thức ăn và không gian. Nếu thức ăn tự nhiên là cá rô phi con ít, có thể cho ăn bổ sung thức ăn là cá tạp băm nhỏ với khẩu phần 5% trọng lượng thân. Cho ăn ngày 2 lần vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi cá đạt trọng lượng 200g/con giảm xuống cho ăn 1 lần/ngày bằng cá tươi hoặc cá đông lạnh băm nhỏ hoặc thức ăn viên với khẩu phần 2% trọng lượng thân. Thay nước ao nuôi từ 20 – 50% theo thủy triều hoặc bơm ít nhất 2 lần/tuần. Sử dụng quạt nước cung cấp ôxy cho ao khi hàm lượng ôxy hòa tan dưới 4 mg/l. Duy trì các yếu tố pH từ 7,5 – 8,3, nhiệt độ 20-350C, độ mặn 20 – 35‰, ôxy hòa tan từ 4-8 mg/l…
Nuôi trong lồng: Đối với cá giống kích cỡ 2 – 10 cm sử dụng mắt lưới 8 mm, mắt lưới 25 mm sử dụng cho cá lớn hơn. Mật độ thả nuôi 15 – 20 con/m3. Phân loại cá ít nhất 1 tháng 1 lần. Thức ăn là cá tươi hoặc cá đông lạnh băm nhỏ cho ăn hàng ngày với lượng 10% trọng lượng thân và thức ăn viên 3% trọng lượng thân. Cho ăn 2 bữa vào buổi sáng sớm và chiều mát. Bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho cá. Sau 2 – 3 năm lồng nuôi cần được di chuyển đến nơi mới để môi trường được phục hồi. Thời gian nuôi thương phẩm kéo dài từ 4 – 7 tháng tùy thuộc vào nhu cầu kích thước.
>> Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG Tp Hồ Chí Minh) và Viện Nghiên cứu NTTS II vừa nghiên cứu xây dựng công nghệ và sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho cá mú chấm cam phù hợp thực trạng, quy mô điều kiện Việt Nam, giảm chi phí nuôi 15-20%. |