Cá mú nuôi chết hàng loạt: Chưa tìm ra biện pháp chữa trị hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Khoảng 3 tháng nay, cá mú nuôi ở đầm Cù Mông thuộc các xã Xuân Hòa, Xuân Hải, Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã xảy ra hiện tượng chết hàng loạt khiến nhiều người nuôi trắng tay. Mặc dù các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, song cá vẫn tiếp tục chết…

Cá chết hàng loạt

Ba xã Xuân Hòa, Xuân Hải, Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu) là những địa phương có nghề nuôi cá mú từ lâu nay và đầm Cù Mông là vùng nuôi cá mú tập trung, nhiều nhất tỉnh Phú Yên. Ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa, cho biết: “Ở Xuân Hòa người dân nuôi cá mú chủ yếu tập trung ở Vũng Làng thuộc hai thôn Hòa Thọ và Hòa Phú. Gia đình tôi nuôi tổng cộng 10 lồng, trong đó có trên 400 cá lớn nuôi được 1 năm tuổi và khoảng 400 cá nhỏ được 6 tháng. Đến nay cá lớn đạt trọng lượng khoảng 0,8-1,2 kg/con nhưng đã chết hết rồi, gia đình chỉ mót bán được khoảng 50 con với giá gần 200.000 đồng/kg. Hiện nay, 400 cá nhỏ còn lại đang tiếp tục chết…”.

Chung cảnh ngộ còn nhiều gia đình như ông Võ Văn Cam ở thôn Hòa Thọ bị chết hơn 450 con, hay gia đình ông Lê Thanh Thu ở thôn Hòa Thọ bị chết hơn 800 con, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa ở thôn Hòa Phú bị chết hơn 300 con, đều là cá mú loại lớn… Không thể tính hết số vốn bỏ ra đầu tư, nhưng một con cá mú bị chết bình quân 1 kg, với giá bán hiện nay thì đã thiệt hại 200.000 đồng, trước mắt gia đình ông Nguyễn Văn Hồng bị chết hơn 400 con cá mú loại lớn, thiệt hại đến 80 triệu đồng. Số tiền này đối với người nông dân là quá lớn.

Người nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) hàng ngày vẫn cho cá ăn và theo dõi tìm hướng điều trị bệnh cho cá

Đến nay, nhiều xã chưa thể thống kê hết số lượng cá mú nuôi ở địa phương mình đã bị chết. Theo người nuôi, chưa năm nào cá mú bị chết nhiều như năm nay, chết không rõ nguyên nhân khiến tất cả hoang mang, nhiều gia đình trắng tay vì cá chết. Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết thêm, hiện nay, những người thu mua cá mú lại ra điều kiện là cá phải đạt trọng lượng từ 0,7 kg/con trở lên và cá phải còn sống thì mới thu mua. Nhiều người nuôi muốn bán đổ bán tháo để gỡ lại ít vốn nhưng không thể bán được. Trước tình hình này, các xã đã báo cáo lên ngành chức năng ở thị xã Sông Cầu và đề nghị tiến hành kiểm tra, xét nghiệm, tìm nguyên nhân cá mú chết hàng loạt để có hướng điều trị bệnh để bà con yên tâm sản xuất.

 

Chưa tìm ra biện pháp điều trị

Sau khi nhận được báo cáo cá mú nuôi ở nhiều địa phương bị chết, Phòng Kinh tế và Trạm Thú y thị xã Sông Cầu đã cử cán bộ chuyên trách đến hiện trường nắm tình hình và xác định nguyên nhân. Theo Trạm Thú y thị xã Sông Cầu, dấu hiệu cá mú mắc bệnh là bên ngoài cá có màu sắc bình thường, khi giải phẫu thấy túi mật bị teo và kéo dài, dịch mật không lấp đầy, một số trường hợp cá chết không có dấu hiệu ngoại quan rõ ràng giống như cá chết do bị thiếu ôxy. Nhận định ban đầu, cá mú chết có thể do thời tiết, khí hậu không ổn định, hiện tại đang là giao mùa giữa hai hướng gió tây nam và đông bắc nên có sự xáo trộn ở tầng đáy tạo điều kiện cho các loại khí độc như H2S, NH3 thoát lên, cộng thêm vào ban đêm trời lặng gió dẫn đến tầng đáy có lượng khí độc khá cao làm cho cá dễ bị ngạt và chết. Trạm Thú y thị xã Sông Cầu đã tiến hành lập biên bản làm việc và yêu cầu các hộ nuôi mang xác cá chết vào bờ chôn hoặc đốt, để hạn chế việc lây lan bệnh cũng như hạn chế việc ô nhiễm môi trường nuôi.

Ông Nguyễn Văn Hồng (người nuôi cá mú ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) chỉ lặn kiểm tra một lồng nuôi đã phát hiện 5 con cá mú bị chết, trọng lượng khoảng 0,6-0,8kg/con

Ông Phạm Xuân Hương, Trưởng trạm Thú y thị xã Sông Cầu, cho biết: “Trong thời gian tới, diễn biến thời tiết còn hết sức phức tạp nên người nuôi cần chú ý di chuyển lồng nuôi lên tầng nước giữa để tránh cá bị ngạt do khí độc. Đối với cá nuôi trong ao thì phải xử lý đáy ao bằng các loại men vi sinh nhằm hạn chế thấp nhất lượng khí độc, ngoài ra, phải cho ăn thức ăn tươi phối trộn với thuốc bổ để tăng sức đề kháng cho cá. Nếu phát hiện cá bị loét hoặc bị bệnh đường ruột thì nên tắm cho cá bằng Iodine nồng độ 3-4ppm trong thời gian 30-45 phút và cần trộn thêm Oxyteracyline 5-7g/kg thức ăn cho ăn liên tục 5-7 ngày. Đối với cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, bà con nên tiến hành thu hoạch sớm để tránh thiệt hại”.

Tuy nhiên, đó chỉ là những đánh giá nguyên nhân ban đầu, còn vấn đề mang mẫu bệnh phẩm đến các cơ quan chuyên môn để xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân chính gây cá chết thì địa phương… chưa thực hiện.

>> Ông Lý Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa: “Toàn xã có 47 hộ nuôi cá mú, với số lượng gần 15.000 con. Chỉ tính đến cuối tháng 9/2011, số lượng cá mú bị chết khoảng 5.400 con của 30 hộ nuôi (đến nay chưa cập nhật kịp). UBND xã đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên cá mú ở địa phương và đề nghị Phòng Kinh tế, Trạm Thú y thị xã Sông Cầu về giúp địa phương nhưng đến nay nguyên nhân cá chết vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng”.

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!