(TSVN) – Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 10/2023 có chiều hướng khả quan hơn với mức tăng trưởng 2 con số, đạt 87 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022. Tính hết tháng 10 năm 2023, cá ngừ đã mang về lượng ngoại tệ 704 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Tại các thị trường chính, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam có những biến động trái chiều.
Theo Hải quan Việt Nam, liên tục từ đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Đức tăng trưởng liên tục, nhưng sang tháng 9 xuất khẩu lại đảo chiều giảm. Tháng 9/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức giảm mạnh gần 48% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 1,3 triệu USD, đây là mức giá trị xuất khẩu sang thị trường này thấp nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng mạnh trong những tháng trước đó nên kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Đức trong 9 tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 23 triệu USD, tăng 13%.
Xuất khẩu cá ngừ vẫn chưa thể phục hồi tại nhiều thị trường những tháng cuối năm. Ảnh: ST
Cũng theo Hải quan Việt Nam, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các đơn hàng cá ngừ đóng hộp xuất khẩu sang Đức giảm. Tính riêng trong tháng 9, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang Đức giảm một nửa so với cùng kỳ. Cùng với xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, xuất khẩu thịt/loin cá ngừ sang thị trường Đức cũng vẫn đang thấp hơn so với cùng kỳ, giảm 39% trong tháng 9/2023. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này giảm 29%, đạt 7 triệu USD.
Theo các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm, khi giá cá ngừ trên thế giới leo thang, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang các nước EU, trong đó có Đức, thu hút các nhà nhập khẩu nhờ giá thấp. Và các ưu đãi về thuế quan theo thỏa thuận trong EVFTA càng làm tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, khi hạn ngạch ưu đãi thuế quan đã cạn kiệt, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại các khu vực như Ấn Độ Dương được cải thiện, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá ngừ Việt Nam bị sụt giảm… Bên cạnh đó, tình hình lạm phát tại Đức đang diễn ra khiến sức tiêu dùng giảm.
Theo Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Canada trong tháng 9 đã đảo chiều tăng 44% so với cùng kỳ, đạt hơn 3 triệu USD, cắt đà giảm 8 tháng liên tiếp.
Sau một thời gian tăng trưởng cao liên tục trong năm 2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Canada bị ảnh hưởng do lạm phát, tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng, đơn hàng bị hạn chế, khiến kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm liên tục từ đầu năm 2023. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt gần 23 triệu USD, giảm 47% so với cùng kỳ.
Canada là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 12 trên thế giới trong năm 2022. Kim ngạch nhập khẩu cá ngừ của thị trường này đạt hơn 272 triệu USD, tăng 40% so với năm 2021. Với mức tăng trưởng này, Canada được đánh giá là thị trường cá ngừ tiềm năng cho Việt Nam nhất là sau khi hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực.
Tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Canada sẽ vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn trong những tháng tới, nhất là trong bối cảnh nợ tín dụng tiêu dùng của người Canada ngày càng tăng cao, họ sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ba Lan đã sụt giảm trong tháng 9/2023, sau một thời gian tăng trưởng cao ở mức 3 con số. Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, và bằng 1/6 so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng cao trong những tháng trước nên xuất khẩu cá ngừ sang Ba Lan tính lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 125% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 4 triệu USD.
Trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang thị trường này, cá ngừ đóng hộp chiếm tỷ trọng lớn nhất hơn 83%. So với cùng kỳ, xuất khẩu nhóm sản phẩm này trong 9 tháng đầu năm tăng mạnh 211%. Theo các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp sang thị trường này tăng mạnh là do ảnh hưởng của lạm phát. Bên cạnh đó, giá cả tăng trong chuỗi cung ứng (như giá dầu thực vật, lon và bao bì carton đều tăng vọt) nên các nhà nhập khẩu EU có xu hướng tăng nhập khẩu trực tiếp.
Hiện lạm phát ở Ba Lan vẫn giữ được ở mức thấp. Do đó, Ba Lan được đánh giá là thị trường tiềm năng cho cá ngừ Việt Nam, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan. Hiện Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 3 ngoài khối cho thị trường Ba Lan, sau Ecuador và Philippines.
Vũ Mưa