T2, 06/07/2020 09:56

Cá sấu – Loài lưỡng cư kinh tế cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nghề nuôi cá sấu ở nước ta hiện nay đang phát triển rộng khắp, với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau. Đây thực sự là đối tượng nuôi mang lại kinh tế lớn cho người dân.

Loài cá dữ “siêu lợi”

Hiện nay, cá sấu được đánh giá là vật nuôi mang lại lợi ích kinh tế lớn, kỹ thuật nuôi không quá khó. Trên thị trường, giá khoảng 185.000 đồng/kg (cân nguyên con) và khoảng 160.000 đồng/kg (cá sấu đã lột da).  Với những con 20 kg trở lên, bộ da có thể bán được từ 3,4-3,5 triệu đồng, những con cá sấu nặng 1 tạ bộ da có trị giá đến 10 triệu đồng. Túi mật của cá sấu cũng là một vị thuốc và có giá trên thị trường. Cá sấu được nuôi ở nước ta tập trung nhiều ở phía Nam bởi thời tiết thích hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cá sấu. Tuy nhiên hiện nay, cá sấu đã được nuôi và phát triển mạnh ở miền Bắc, gắn với những cái tên như: Cao Văn Tuyến (Hải Phòng), Nguyễn Quang Hiển (Hà Nội). Mỗi năm các trang trại này lãi hàng tỷ đồng từ việc nuôi thương phẩm và cung cấp giống cá sấu.

Một con cá sấu giống hiện có giá từ 1,4-1,7 triệu đồng. Sau thời gian khoảng 2 năm, cá sấu đạt khối lượng từ 18-20 kg trở lên có thể xuất bán. Cá sấu càng lớn thì càng được giá.

 

Cá sấu đang được nuôi ở nhiều địa phương

 

Hiểu biết để tránh rủi ro

Cá sấu nuôi ở nước ta chủ yếu là các loài như: cá sấu Cu Ba, cá sấu hoa cà và cá sấu Xiêm. Do đặc điểm của cá sấu là thích dầm mình dưới nước và phơi nắng trên cạn. Vì vậy, khi nuôi cá sấu cần có diện tích lớn để làm nơi ăn nghỉ cho cá sấu, nơi chữa bệnh cho những con bị yếu, nơi sinh sản… Thức ăn của cá sấu rất dễ kiếm, rẻ tiền. Lúc cá còn nhỏ thì cho ăn bằng cá tạp, khi cá sấu đã lớn thì có thể cho ăn các loại thức ăn như: lòng lợn, phổi lợn, đầu cá, các phụ phẩm lò mổ… Bên cạnh đó, cần cho cá sấu ăn những động vật có xương cứng như gà, vịt và bổ xung canxi, nếu không trứng cá sấu đẻ ra sẽ bị mềm vỏ, không nở được.

Cá sấu không chịu được lạnh, ở nhiệt độ <150C, cá sẽ biếng ăn, thậm chí bỏ ăn, mắc nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh xơ mỡ, dẫn đến cá gầy mòn và chết. Đây là điều cần chú ý nhất khi nuôi cá sấu ở vùng có khí hậu lạnh.

 

Cần có thị trường bền vững

Nước ta hiện nay có khoảng 25 tỉnh, thành nuôi cá sấu với trên 1.000 hộ dân và công ty đăng ký nuôi. Tuy nhiên, nghề nuôi cá sấu hiện nay thiếu bền vững bởi đầu ra phụ thuộc một số ít thị trường. Khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao, giá cá thịt và cá giống cũng tăng cao nhưng chỉ vài thị trường tạm ngưng là giá cá sấu theo đó cũng “xuống dốc không phanh”.

Được biết, hiện nay có đến 80% tổng số cá sấu tiêu thụ hàng năm là xuất khẩu nguyên con làm thực phẩm. Chỉ 20% được giết mổ lấy da, còn da thuộc và các sản phẩm từ da thì hoàn toàn tiêu thụ trong nước, ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị của cá sấu.    

>> Cá sấu nước ngọt gây nuôi muốn xuất khẩu phải đạt được các điều kiện: Các cá thể thuộc đối tượng F2 trở đi, diện tích chuồng trại phù hợp với năng lực đã đăng ký, bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi, có cán bộ chuyên môn quản lý, chăm sóc, ngăn ngừa dịch bệnh và có xác nhận của cơ quan quản lý môi trường địa phương. Và quan trọng nhất là phải đăng ký qua các cơ quan kiểm lâm và cơ quan thẩm quyền quản lý Công ước CITES Việt Nam, được Ban Thư ký Công ước CITES chấp nhận.

Đoàn Quân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!