Thị trường EU vẫn đang rất khó khăn đối với các sản phẩm cá tra. Tuy nhiên, cá tra có chứng nhận ASC lại đang vào EU một cách khá thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Đạo, TGĐ Công ty CP Gò Đàng, Tiền Giang, cho hay, sau Tết Quý Tỵ, việc XK cá tra sang EU có cải thiện đôi chút sau một thời gian dài trầm lắng, giá cá nhờ đó có nhích lên chút xíu (khoảng 5 – 6 cent/kg) ở mức khoảng 2,6 USD/kg. Tuy nhiên, nhìn chung cá tra bán sang EU vẫn đang rất chậm. Trong khi đó, các sản phẩm cá tra từ những ao được chứng nhận ASC lại đang có sự thuận lợi hơn nhiều. Bởi sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC đang được các nhà nhập khẩu chấp nhận nhiều hơn.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cũng cho biết, các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC đang vào EU thuận lợi hơn so với cá tra chưa có chứng nhận này. Bởi hiện nay, các nhà nhập khẩu và bán lẻ lớn ở EU đang có trào lưu dành quan tâm nhiều hơn, ưu ái hơn với các sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC. Đặc biệt, ở những nước có những nhà nhập khẩu lớn như Đức, Hà Lan, Anh…, đã hình thành một khuynh hướng rõ ràng trong việc ưu tiên nhập khẩu cá tra được chứng nhận ASC, bởi trong thời gian tới các nhà bán lẻ ở EU chỉ ưu tiên bán các sản phẩm cá tra này. Thậm chí ngay từ bây giờ, tại các nước Đức, Hà Lan, Anh và Ý, một số nhà bán lẻ đã tạm ngưng nhập các sản phẩm cá tra không có chứng nhận ASC để chuẩn bị cho việc bán cá tra có ASC.
Còn theo dự báo của Tổ chức xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), về lâu dài, các nhà bán lẻ ở EU sẽ chỉ bán cá tra đạt chứng nhận ASC. Không chỉ ở thị trường bán lẻ, trong phân khúc dịch vụ thực phẩm, các nhà tiêu thụ cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới cá tra có chứng nhận ASC. Hiện tất cả các tập đoàn chế biến thực phẩm ở EU đều đã quan tâm tới sản phẩm cá tra có chứng nhận ASC và mong muốn có nguồn cung ổn định sản phẩm này.
Do được người tiêu dùng EU tín nhiệm bởi yếu tố thân thiện với môi trường, được sản xuất có trách nhiệm …, nên các sản phẩm cá tra được chứng nhận ASC đang được bán lẻ với giá cao hơn hẳn so với cá tra chưa có ASC. Theo báo cáo phân tích của CBI, tại thị trường Đức, trong phân khúc bán lẻ (chiếm 70 – 75% lượng cá tra nhập khẩu được tiêu thụ ở nước này), trong khi giá cá tra philê đông lạnh chưa có chứng nhận ASC ở mức 4,38 euro/kg, thì cá tra đạt chứng nhận ASC có giá tới 12 euro/kg, tức là cao gấp gần 3 lần.
Cũng theo ông Hòe, giá XK cá tra đạt chứng nhận ASC sang EU nhìn chung đang cao hơn khoảng 10% so với cá tra chưa có chứng nhận này. Tuy nhiên, đây không phải là mục đích của các DN, bởi khi sản lượng cá tra đạt chứng nhận ASC ngày càng tăng lên (năm 2012 đã có 10% sản lượng cá tra XK), đồng nghĩa với việc sản lượng cá tra chưa có ASC giảm đi, thì sự chênh lệch về giá sẽ giảm xuống. Mà cái quan trọng hơn là khi có chứng nhận ASC, cá tra Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để lấy lại hình ảnh, vị thế tại thị trường EU, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà nhập khẩu lẫn người tiêu dùng tại thị trường rất quan trọng này.
Ở thị trường Đức, sau mấy năm trời liên tục suy giảm sau khi bị một số phương tiện truyền thông nước này bôi xấu hồi năm 2010, đến đầu năm nay, XK cá tra Việt Nam sang Đức đã có sự tăng trưởng trở lại khá ấn tượng. Trong tháng 1, XK cá tra sang Đức đạt kim ngạch 5,9 triệu USD, tăng 35,7% so với tháng 12/2012. Đây là sự tăng trưởng đáng ghi nhận bởi trong suốt cả năm 2012, XK cá tra sang Đức luôn theo xu hướng tháng sau giảm hơn tháng trước, có tháng giảm tới trên 50%. Sự tăng trưởng này, đã có phần đóng góp của cá tra đạt chứng nhận ASC.
Theo VASEP, đến nay đã có 14 DN đạt chứng nhận ASC cho sản phẩm cá tra. DN mới nhất tham gia vào danh sách này là Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long, khi vùng nuôi 12 ha với sản lượng 4.000 tấn/năm tại xã Tân Long (Thanh Bình, Đồng Tháp). Sản lượng cá tra đại chứng nhận ASC của Công ty CP XNK Cửu Long sẽ được cung cấp cho các nhà nhập khẩu ở Hà Lan, Hy Lạp và một số nước khác thuộc EU. Hiện đang có 4 trại nuôi cá tra cũng đang phấn đấu để được chứng nhận ASC, gồm: Vùng nuôi Tân Thuận Đông của Cty CP Vĩnh Hoàn; trang trại Cồn Bần của Công ty CP Hùng Vương; trang trại số 1 – Mỹ Hòa Hưng của Công ty CP Nam Việt; trang trại Cồn Linh của Công ty CP Gò Đàng.