Ngoài việc muốn Bộ thương mại Mỹ (DOC) thay đổi kết quả thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, việc khởi kiện của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cũng để Hải quan Mỹ tạm hoãn thu thuế cao từ đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8). Trong khi đó, giá cá nguyên liệu tại ĐBSCL diễn biến khá trầm lắng kể từ sau phán quyết của DOC.
Tạm thoát thuế cao nhờ…kiện
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tính đến nay, Việt Nam đã gửi đơn kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) được hơn một tuần và CIT cũng đã thụ lý đơn.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đi Mỹ tạm thoát thuế chống bán phá giá cao của kỳ POR8. Trong ảnh là công nhân đang chế biến cá tra tại Công ty cồ phần Gò Đàng (GODACO) – Tiền Giang – Ảnh: Trung Chánh
Theo ông Hòe, mục đích chính của lần khởi kiện này là đề nghị DOC thay đổi kết quả thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, tức yêu cầu DOC quay trở lại chọn Bangladesh làm quốc gia để tính giá cá tra Việt Nam (Bangladesh là quốc gia được chọn để tính giá cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 7 – POR7), thay vì Indonesia như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) Tiền Giang – doanh nghiệp bị DOC áp thuế chống bán phá giá trong kỳ POR8, cho biết khi Việt Nam có đơn kiện gửi lên CIT, CIT sẽ có văn bản gửi đến Hải quan Mỹ yêu cầu tạm dừng thu thuế với mức cao của kỳ POR8 (cao gấp 25-45 lần kỳ POR7) cho đến khi CIT có phán quyết cuối cùng về đơn kiện của Việt Nam.
“Vì vậy, bên cạnh yêu cầu DOC quay trở lại chọn Bangladesh làm quốc gia tính giá cá tra của Việt Nam, khởi kiện cũng nhằm mục đích để Hải quan Mỹ tạm hoãn thu thuế, trong điều kiện nguồn vốn của doanh nghiệp đang gặp khó như hiện nay”, ông Đạo cho biết.
Tuy nhiên, ông Hòe của VASEP, cho biết kiện không phải là mục đích để Hải quan Mỹ tạm hoãn thu thuế đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, mà đó là hệ quả tất yếu phải có của một vụ kiện chống bán phá giá.
“Theo luật quốc tế, một vụ kiện đang tiến hành thì mọi vấn đề có liên quan (như thu thuế cao đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam hiện nay) sẽ dừng lại. Đây là thủ tục tất yếu phải có của một vụ kiện thôi chứ không phải mục đích chính của Việt Nam, đương nhiên cái đó cũng là một trong những vấn đề phía mình (Việt Nam) mong muốn”, ông Hòe cho biết.
Trả lời câu hỏi của TBKTSG Online: “Nói như vậy nghĩa là hiện tại Hải quan Mỹ đã tạm hoãn thu thuế ở mức của kỳ POR8 đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam?”, ông Hòe cho biết: “Về mặt nguyên tắc khi có lệnh của CIT thì họ (Hải quan Mỹ) phải tạm dừng thôi”.
Ông Hòe cho biết thêm, hiện không có nghe doanh nghiệp nào nói về mức thuế cao cả, cho nên, có thể hiểu rằng vấn đề đang đi theo như vậy (tạm hoãn thu thuế cao).
Giá cá tra vẫn dưới giá thành
Sau khi DOC có quyết định tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam đến nay, ít nhất đã có 3 lần giá nguyên liệu tại ĐBSCL tăng, giảm, tuy nhiên, tất cả mức giá đều dao động ở biên độ thấp, dưới giá thành sản xuất.
Cụ thể, chỉ 3 ngày sau khi DOC công bố kết quả cuối cùng của đợt POR8 (ngày 14/3/2013), giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL quay đầu giảm xuống 21.000 – 21.500 đồng/kí lô gam so với mức giá 22.000 – 22.500 đồng/kí lô gam vào thời điểm trước đó.
Sau phán quyết của DOC 1 tuần, giá cá tra nguyên liệu dần ổn định và tăng nhẹ trở lại, lên mức 21.500 – 22.000 đồng/kí lô gam, tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau (tức cách đợt POR8 khoảng 2 tuần), giá cá tra nguyên liệu lại quay đầu giảm, xuống mức giá chỉ còn 19.000 – 21.000 đồng/kí lô gam (tùy loại và địa phương).
Mới đây, thông tin từ Hiệp hội thủy sản An Giang (AFA), cho biết giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã tăng trở lại và dao động quanh mức giá 21.500 – 22.500 đồng/kí lô gam.
Ông Đạo của GODACO cho biết dù tăng trở lại nhưng hiện giá cá nguyên liệu vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi vẫn chưa có lãi.
Theo ông Đạo, tình hình xuất khẩu cá tra đi Mỹ gần đây có khởi sắc nhưng đánh giá chung vẫn còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường các nước liên minh châu Âu (EU) tình hình khủng hoảng vẫn chưa phục hồi, nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu…, đó là những nguyên nhân khiến diễn biến giá cá tra nguyên liệu vẫn khá trầm lắng.