Cá tra giống nổi từng đàn sau mưa kéo dài

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Sau mưa kéo dài, cá tra giống trong ao nổi từng đàn lên mặt nước, bơi lội không định hướng, một số con có nhiều nhớt màu trắng đục, đã chết nhiều con. Hỏi đây là bệnh gì và biện pháp chữa trị ra sao?

(Phạm Thanh Hiếu, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An)

Trả lời:

Với các triệu chứng trên, có thể cá tra đã bị bệnh trùng bánh xe. Bệnh do các loại trùng có hình dạng như bánh xe phát triển cao điểm vào các mùa mưa, lũ. Chúng ký sinh trên da, mang, khoang mũi của cá, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi cá ở trên cạn. Khi cá mới mắc bệnh, mình cá có lớp nhớt màu hơi trắng đục, cá bệnh thường nổi đầu và thích tập trung nơi nước chảy, thích cọ mình vào thành bể hoặc cây cỏ và có cảm giác ngứa ngáy. Đôi khi cá nhô đầu lên khỏi mặt nước và lắc mạnh đầu. Cá bệnh nặng mang cá sưng to (kênh to), da cá chuyển màu xám, trông lờ đờ, đảo lộn vài vòng rồi chìm xuống đáy ao và chết.

Để trị bệnh, dùng nước muối NaCl 2 – 3% tắm cho cá trong 5 – 15 phút, hoặc dùng CuSO4 nồng độ 3 – 5 ppm tắm cho cá 5 – 15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5 – 0,7 ppm (0,5 – 0,7 g/m³ nước). Dùng Formalin nồng độ 200 -250 ppm (200 – 250 ml/m³) tắm trong 30 – 60 phút hoặc nồng độ 20 – 25 ppm (20 -25 ml/m³) phun xuống ao, tắm vào buổi sáng sớm hoặc vào chiều tối.

Trong mùa mưa lũ, do những biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập và gây bệnh. Do đó, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá nổi đầu cần xác định nguyên nhân do đâu để có biện pháp điều trị thích hợp.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!