Do có sự thay đổi trong quy cách sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu, từ nay đến cuối năm có khả năng doanh nghiệp phải tập trung tiêu thụ hàng tồn kho theo quy cách cũ, giá cá tra nguyên liệu vì thế khó có thể tăng lên như kỳ vọng của người nuôi.
Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã thay đổi một số quy định khung sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu và sắp tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải thuyết phục đối tác mua sản phẩm theo quy cách mới.
Trước mắt, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), giá cá tra nguyên liệu hiện ở mức khoảng 23.500 đồng/ki lô gam, người nuôi cá vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hy vọng giá cá sẽ tăng trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, thị trường nhập khẩu sẽ tiêu thụ mạnh trở lại theo thông lệ.
Người nuôi cá tra nguyên liệu lo ngại sẽ tiếp tục gặp khó ở đầu ra – Ảnh: Ngọc Tùng
Trong khi đó, bên hành lang hội nghị triển khai Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Cá tra vừa tổ chức tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp cũng như người nuôi cá có cùng nhận định là khả năng tăng giá khó xảy ra thậm chí có thể sẽ giảm trở lại.
Đại diện một doanh nghiệp chế biến cá tra ở Trà Vinh, cho rằng theo qui định tại Thông tư 23, sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng vượt quá 10% và hàm lượng nước trong sản phẩm phi lê vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm chỉ được phép xuất khẩu đến ngày 31-12-2014.
Như vậy, từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp sẽ phải tập trung xử lý khối lượng lớn hàng tồn kho có quy cách không phù hợp với quy định mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sản lượng nguyên liệu thu mua trong thời kỳ này của các doanh nghiệp sẽ giảm. “Quy cách sản phẩm xuất khẩu không phải do doanh nghiệp xuất khẩu quyết định mà được xây dựng trong quá trình đàm phán với đối tác nhập khẩu”, vị đại diện này nói. Theo ông, tỷ lệ mạ băng cao không làm thay đổi chất lượng sản phẩm bên trong mà chỉ giữ vai trò tăng khả năng bảo vệ sản phẩm trong quá trình lưu trữ, vận chuyển.
Về hàm lượng nước trong sản phẩm phi lê, đại diện của một doanh nghiệp ở Đồng Tháp, cho rằng chỉ có các đối tác nhập khẩu ở những thị trường giá rẻ mới có yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu làm tăng trọng sản phẩm (tăng hàm lượng nước trong sản phẩm – PV), trong khi đó vẫn có một số thị trường chỉ sử dụng những loại sản phẩm chất lượng tốt với giá bán cao hơn.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú, An Giang), ông Nguyễn Hữu Nguyên, với Nghị định 36CP, hoạt động nuôi và chế biến xuất khẩu các mặt hàng cá tra phải được sắp xếp lại. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu này nếu các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gặp khó thì sẽ tác động xấu trực tiếp đến người nuôi.
Theo ông Nguyên, giá cá nguyên liệu hiện tại cũng chỉ mới tương đương với giá thành sản xuất, “nhiều người nuôi cá sẽ tiếp tục vỡ nợ nếu giá cá giảm trở lại vào thời điểm cuối năm nay như một số dự báo ngắn hạn”, ông Nguyên băn khoăn.
>> Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra nguyên liệu ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều giảm trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ đạt khoảng 685.000 tấn. Chỉ riêng các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre sản lượng cá tra nguyên liệu đã giảm hơn 21.000 tấn so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là giá cá nguyên liệu giảm thấp xuống dưới mức giá thành nên người nuôi chỉ cho cá ăn cầm chừng, thời gian nuôi kéo dài, thu hoạch cá không đạt kích cỡ để giảm lỗ do tăng thêm chi phí thức ăn. |