Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá, ngành cá tra đã cơ bản bị phá sản từ năm 2012. Còn VASEP nhận định, phải mất 4 – 6 năm nữa, cá tra Việt Nam mới có khả năng vào thị trường Mỹ ổn định.
Thực trạng
Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã tích cực làm việc với Nga và từng dự báo thị trường này sẽ mở cửa chậm nhất cuối tháng 4/2014. Nay ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nói, không biết khi nào cá tra Việt Nam có thể quay lại thị trường Nga. Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lại vừa công bố mức thuế chống bán phá giá lần thứ 9 đối với cá tra, bình quân tăng mỗi mức thuế 0,42 – 1,2 USD/kg. Trong khi đó, Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2014 (Farm Bill 2014) đã dựng lên một rào cản rất lớn với cá tra.
Ông Nguyễn Thanh Đủ ở Châu Đốc (An Giang) từng đam mê nuôi cá tra, mỗi năm bán trên 10.000 tấn, nhưng nay đã phải rời bỏ cá tra vì thua lỗ triền miên. Ông buồn bã: “Những năm 1996 – 2006, tôi lãi 2.000 – 3.000 đồng/kg; còn 7 năm nay lỗ liên tục”. Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết, cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh An Giang, bên cạnh cây lúa. Hiện, toàn tỉnh có 23 nhà máy chế biến của 17 doanh nghiệp; sản lượng cá tra xuất sang Mỹ chiếm 45% tổng sản lượng xuất khẩu, nhưng thị trường ngày càng khắt khe nên đa số doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, 5 tháng đầu năm 2014, sản lượng cá tra thâm canh chỉ đạt 38.131 tấn, giảm 19,7% so cùng kỳ năm ngoái. Toàn tỉnh hiện còn 419 ha nuôi cá tra, giảm 3% so cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hộ nuôi bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi loại thủy sản khác. Số cơ sở nuôi cá tra còn lại cho cá ăn cầm chừng, kéo dài thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thấp.
Lao động nuôi cá tra còn vất vả và nghèo – Ảnh: Sáu Nghệ
Tại tỉnh Đồng Tháp, diện tích thả nuôi cá tra giảm 0,9%; sản lượng giảm hơn 2% so cùng kỳ năm 2013. Trong ngành có các hình thức liên kết doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản và sản xuất khác liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nông dân nuôi gia công cho doanh nghiệp, nông dân tham gia hiệp hội thủy sản và liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các hình thức liên kết đó đều chưa bền vững.
Nỗ lực
Trong tình hình khó khăn vây bủa, nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tra đang nỗ lực lớn để vượt qua. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Hồ Văn Vàng gọi đây là “cơ hội để cá tra Việt Nam tăng giá trị”.
Việt Nam đã có 44 vùng nuôi cá tra của 37 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đạt chứng nhận của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC). Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang có 3 trại nuôi đạt chứng nhận. Các doanh nghiệp có 2 trại nuôi đạt chứng nhận như: Công ty CP Gò Đàng, Công ty CP Hùng Vương, Công ty CP Vĩnh Hoàn. Các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Năm Vàng, Công ty CP Cổ Chiên, Công ty CP Nam sông Hậu tại Vĩnh Long cũng được cấp chứng nhận với tổng diện tích nuôi trên 36,7 ha. Việc đạt chứng nhận ASC (coi trọng bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội) giúp cá tra Việt Nam nâng cao hình ảnh trên thị trường thế giới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi nhuận.
Ở tỉnh An Giang đã có 25 doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu nuôi cá tra theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với diện tích trên 653 ha, chiếm 82,36% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh, sản lượng đạt 184.700 tấn/năm. Diện tích nuôi cá tra của hộ dân nhỏ lẻ chỉ còn chiếm 17,36% diện tích.
Công ty TNHH Hùng Cá ở tỉnh Đồng Tháp và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long ở tỉnh An Giang có tốc độ tăng trưởng khá cao trong quý I năm nay, trên 15%. Điểm chung của hai công ty này là giữ ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào và chữ tín với khách hàng.
Các vùng nguyên liệu của Công ty Hùng Cá đáp ứng 80% nhu cầu, còn lại hợp tác với người dân nuôi gia công, đảm bảo lợi nhuận hài hòa hai bên. Các nhà máy của Công ty Hùng Cá đã hoạt động hết công suất và Công ty đang đầu tư thêm nhà máy chế biến công suất hơn 200 tấn/ngày, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay.
Đối với Công ty Cửu Long, việc đảm bảo đúng chất lượng và tiến độ giao hàng theo cam kết trong hợp đồng luôn được chú trọng. Các yêu cầu của khách hàng luôn được nỗ lực đáp ứng, khi EU đưa ra các tiêu chí về GlobalGAP, ASC, Công ty Cửu Long kịp thời thay đổi để đáp ứng. Nhờ vậy, Công ty đã mở rộng thị trường sang Canada và Mexico bên cạnh thị trường truyền thống EU, Trung Đông.
Vừa qua, VASEP đã ký Biên bản ghi nhớ với cơ quan quản lý Cảng Zeebrugge (Bỉ) nhằm thiết lập một cơ sở phân phối cá tra Việt Nam tại EU. Cơ sở này sẽ hoạt động như một trung tâm thúc đẩy bán hàng, tiếp thị và xây dựng thương hiệu cá tra cho toàn thị trường EU, hướng phát triển thành sàn giao dịch đấu giá cá tra tại EU. Quản lý nhà nước đang có nhiều hỗ trợ tích cực, cụ thể, để tương lai không xa có một đầu mối xuất cá tra Việt Nam cho các đầu mối ở cảng, không còn tình trạng từng doanh nghiệp riêng lẻ đàm phán dẫn đến phá giá lẫn nhau.
Trong nước, Tổng cục Thủy sản vừa có văn bản chỉ đạo các địa phương, đến hết năm 2015 thay thế toàn bộ đàn cá tra bố mẹ không đảm bảo chất lượng bằng đàn cá tra giống tốt. Năm 2014, thống kê số lượng cá hậu bị cần cung cấp và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II sẽ có kế hoạch cung cấp.
>> Trong tình hình khó khăn vây bủa, nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá tra cũng đang thể hiện nỗ lực lớn để vượt qua. |