Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường Mỹ vẫn chưa chấp nhận mua cá tra ASC với mức giá cao hơn trước dù ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và cả người tiêu dùng yêu cầu sản phẩm đạt chứng nhận này.
Trong khi đó, Châu Âu đã bắt đầu tiêu thụ cá tra dán nhãn ASC (chứng nhận sinh thái của Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản) với giá cao hơn các sản phẩm khác.
Hiện nay, cá tra dán nhãn sinh thái ASC được chào với giá cao hơn trước từ 0,15- 0,2 USD/pao. Với mức giá này, người tiêu dùng Châu Âu rất vui lòng bỏ tiền ra để mua được các sản phẩm đạt được loại chứng nhận sinh thái này. Trong đó, Hà Lan, thị trường có nhận thức rất cao về nhãn sinh thái, đã bắt đầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra được dán nhãn ASC.
Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu Việt Nam vẫn đặt hi vọng vào sự phát triển các sản phẩm cá tra đạt chứng nhận ASC tại thị trường Mỹ.
Đối với thị trường Mỹ, dù là nền kinh tế phát triển bậc nhất và là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ ba thế giới nhưng nhận thức về các sản phẩm sinh thái thấp hơn so với Châu Âu. Theo Hội đồng Quản lý biển (MSC), người tiêu dùng Mỹ có nhận thức sinh thái MSC đạt 23% trong năm 2010 và giảm xuống còn 21% trong năm 2012. Trái lại, Châu Âu hiện có tới 30% người tiêu thụ thủy sản ít nhất 2 lần/tuần biết đến nhãn sinh thái MSC (tăng 7% so với năm 2010), trong đó tại Đức 55%, Hà Lan 44%, và Anh 31%.
Mặc dù, các sản phẩm cá tra ASC chưa phát huy hiệu quả tại thị trường Mỹ nhưng các doanh nghiệp cá tra Việt Nam vẫn lạc quan vào sự phát triển của các sản phẩm dán nhãn sinh thái này trong thời gian tới. Theo Bộ Thương mại Mỹ (DOC), lượng cá tra nhập khẩu năm 2012 sẽ đạt mức 146,7 ngàn tấn, cao kỷ lục so với 115,3 ngàn tấn của năm ngoái. Một công ty chuyên nhập khẩu và phân phối thủy sản của Mỹ cho biết, lượng tiêu thụ cá tra năm nay cao gấp đôi so với năm 2011 do người tiêu dùng Mỹ chọn cá tra nhiều hơn da trơn nội địa.