Người tiêu dùng trên thế giới lần đầu tiên nếm thử fillet cá tra tẩm bột đều yêu thích sản phẩm này, nhưng tại sao nó lại không được bán với khối lượng lớn? Mặc dù thị trường và tiềm năng tiếp cận phân khúc mới của cá tra fillet tẩm bột có lợi thế hơn so với fillet cá tra thông thường, nhu cầu thấp, nhưng vì sao mặt hàng này lại không thành công?
Vấn đề chính để phát triển các sản phẩm cá tra chế biến không phải là về kỹ thuật hay tài chính mà là marketing và truyền thông. Các sản phẩm chế biến như fillet cá tra tẩm bột không dễ bán so với fillet các loài cá thịt trắng khác. Mua fillet cá thịt trắng khác với mua các sản phẩm thực phẩm chế biến bởi người tiêu dùng cần phải có niềm tin hơn với những gì mà họ mua. Do đó, các tên tuổi đã được thành lập trong ngành công nghiệp thực phẩm nên kết hợp với điều này.
Do những chiến dịch truyền thông bôi bẩn vô căn cứ chống lại cá tra nên rất hiếm khi các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, nhà bán buôn hoặc phân phối sẵn sàng liên kết hình ảnh của mình với cá tra và đẩy mạnh loài cá này. Phát triển một sản phẩm tốt và phù hợp chỉ là một bước đi rất nhỏ. Những nỗ lực quan trọng và bền vững trong truyền thông là cần thiết để bán fillet cá tra tẩm bột hoặc sản phẩm chế biến khác. Và một bước đi quan trọng là cần phải tách biệt cá tra với những tin đồn xấu hoặc tìm cách để khôi phục hình ảnh của loài này.
Ngoài ra, việc tìm hiểu thị trường cũng là điều cần thiết trước khi thiết lập một dây chuyền chế biến cá tra tẩm bột. Trước khi đầu tư vào chế biến cá tẩm bột, các nhà chế biến Việt Nam nên nghiên cứu kỹ thị trường, phát triển mối quan hệ đối tác với một số khách hàng và nhớ rằng, sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với những nhà máy vận hành hiệu suất cao từ các nước khác. Chẳng hạn như các nhà máy chế biến sản phẩm tẩm bột ở châu Âu và Mỹ đang vận hành gần như hết công suất để giảm chi phí.
Fillet cá tẩm bột Việt Nam đắt hơn các nước phương Tây. Một vài nhà chế biến cá tra Việt Nam đã từng đầu tư rất nhiều tiền để lắp đặt dây chuyền chế biến tự động mà không tìm hiểu kỹ thị trường nên không thể tối đa hóa sử dụng các thiết bị, dẫn đến chi phí chế biến quá cao trên thị trường đầy tính cạnh tranh này. Một yếu tố khác khiến chi phí sản xuất tăng lên đáng kể ở Việt Nam là tiêu thụ điện năng và phải nhập khẩu lớp bột áo phủ ngoài.
Một chiến lược ban đầu có thể thực hiện là tập trung vào chi phí nhân công rất có sức cạnh tranh ở Việt Nam. Trước hết, những nhà chế biến của Việt Nam nên quan tâm đến chế biến fillet cá tra tẩm bột thủ công và các nhà xuất khẩu nên hướng đến những thị trường có tỷ lệ lớp bột áo phủ ngoài thấp nhất và từng bước phát triển những chiến lược chi phí hiệu quả khi thị trường chín muồi.