(TSVN) – Là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản, nhưng tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam khá lận đận khi liếp tiếp phải đối diện với những trở ngại không nhỏ cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, hai năm qua, đây lại là ngành hàng gánh chịu tác động sâu sắc nhất bởi đại dịch COVID-19. Mặc dù vượt qua nhiều thăng trầm, ngành cá tra vẫn về đích khá thành công nhưng để có thể bứt phá và lấy lại được phong độ trong năm 2022, ngành hàng cần phải tháo gỡ nhiều “nút thắt”.
Nửa đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 142 triệu USD, tăng 28% so tháng 6/2020. Tính hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 780 triệu USD, tăng 17% so cùng kỳ năm 20200. Với kết quả tăng trưởng dương, xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ bứt phá trong nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, đà tăng chưa kéo dài được lâu thì bước vào đầu quý III/2021, biến thể Delta lan rộng ở ĐBSCL khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu đều đứng ngồi không yên vì lo phòng dịch COVID-19. Đến đầu tháng 9, 52/106 nhà máy chế biến cá tra phải tạm dừng hoạt động vì có ca nhiễm COVID-19 hoặc không đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, số còn lại phải hoạt động cầm cự, công suất chỉ đạt 30 – 40%. Việc nhà máy giảm công suất, dừng hoạt động, hệ lụy xuất khẩu tra trong tháng 9 giảm tới 36,5% xuống còn hơn 80 triệu USD. Đồng thời đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cá tra lao dốc. Trước đó, xuất khẩu cá tra tháng 8 cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống khoảng 90 triệu USD.
Nhưng ngay sau khi Việt Nam chuyển từ “Zero COVID” sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng. Xuất khẩu cá tra tháng 11/2021 đạt 227 triệu USD, tăng 65% so tháng 10/2021 và tăng 57% so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp xuất khẩu cá tra tăng mạnh. Dự kiến, cả năm, xuất khẩu cá tra ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng nhẹ so năm 2020.
Ngành cá tra kỳ vọng vào những tín hiệu sáng từ thị trường trong năm 2022. Ảnh: Gia Bảo
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, sau nhiều tháng đóng cửa do dịch COVID-19, các nền kinh tế đã mở cửa trở lại với tâm thế sống chung với dịch. Tuy nhiên, áp lực tăng giá nguyên liệu và vật tư đầu vào, giá thức ăn thủy sản tăng liên tục khiến giá thành sản xuất tăng, thiếu lao động, chi phí điện, nhân công tăng cao, nhu cầu thị trường xuất khẩu khó tăng trưởng mạnh; cộng với diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp khiến việc duy trì sự tăng trưởng dương trong cả năm 2022 là điều không dễ dàng với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra.
Trong nhóm các thị trường nhập khẩu hàng đầu cá tra của Việt Nam thì Trung Quốc được dự báo có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng thị trường sẽ vẫn tiếp tục bị tác động do những yếu tố đã được phát hiện trong năm 2021 như chính sách “Zero COVID” khiến Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát hàng nhập khẩu cả biên mậu lẫn chính ngạch. Còn với thị trường Mỹ, nhờ sự hồi phục nhanh chóng ngay sau khi chính quyền mở cửa; người dân quay lại cuộc sống và trở lại thói quen du lịch, ăn uông…; tình hình tắc nghẽn của chuỗi logistics trước dịch làm tồn kho trong chuỗi cung ứng tại Mỹ không còn nhiều nên 2021 được coi là một năm thành công của cá tra Việt Nam khi giữ được mức tăng trưởng cao trong cả năm, tăng cả về lượng và giá xuất khẩu. Dự kiến năm 2022, xuất khẩu đi thị trường Mỹ sẽ ổn định và khó có sự tăng trưởng đột biến như tình hình năm 2021.
Việc thiếu hụt nguồn cung đang giúp giá cá tra đang bước vào chu kỳ tăng mới, có thể chạm mốc 27.000 – 28.000 đồng/kg vào đầu năm 2022. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện đã qua mùa thả giống. Nếu ương cá bột vào mùa đông, tỷ lệ thành công rất thấp, kèm theo yếu tố dịch bệnh, cá không có sức đề kháng tốt. Còn theo đại diện VASEP, giá con giống cao và tỷ lệ sống thấp do thời tiết là áp lực lớn cho người nuôi cá. Việc thả giống giảm mạnh trong thời kỳ giãn cách xã hội trong quý III/2021 cũng như thời tiết lạnh trong quý IV/2021 dự kiến ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung nguyên liệu trong năm 2022. Dự báo sản lượng cá nuôi sẽ đạt tương đương năm 2021.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, việc xuống giống thấp trong tháng 7, 8, 9 chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng về nguồn cung nguyên liệu vì quy trình nuôi cá tra phải mất từ 6 – 8 tháng thì mới trở thành nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Chính vì thế Tổng cục đã đề nghị phải rà soát lại và thay đổi quy trình nuôi để có thể rút ngắn thời gian đạt được kích cỡ cá thương phẩm. Từ đó đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong các tháng đầu năm tới, không bị đứt gãy.
Đại diện VASEP thì cho rằng, cá tra là ngành hàng chịu “tổn thương” trong thời gian qua, do đó, cần được “dưỡng thương”, “bồi bổ” để lấy lại sức trong năm 2022. Do đó, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành liên quan nên có các chính sách hỗ trợ thiết thực, thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, cho người lao động, người nuôi cá…; từ đó lôi kéo người nuôi quan tâm đến sản xuất, người lao động quay trở lại sản xuất. Với cộng đồng doanh nghiệp cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm, tăng sản phẩm có giá trị gia tăng để bù đắp khó khăn về chi phí trong giai đoạn hiện nay.
Hồng Hạnh