(TSVN) – Trong hai năm liền, xuất khẩu cá tra Việt Nam liên tục sụt giảm, đặc biệt là năm 2020 vừa qua. Trong bối cảnh thị trường vẫn căng thẳng do đại dịch Covid-19 và cá tra Việt Nam đang dần mất thế độc tôn thì việc tìm cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng này sẽ không dễ dàng. Đầu năm mới, nhìn lại ngành hàng cá tra cho hướng đi tới.
Báo cáo của VASEP, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019. Trong năm 2020, xuất khẩu cá tra giảm sâu từ tháng 3 đến tháng 9 với mức giảm từ 17 – 35% so với cùng kỳ năm trước đó. Dịch bệnh đã làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường: giảm tiêu thụ kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn; tăng tiêu thụ tại siêu thị, kênh bán lẻ. Cá tra của Việt Nam sang các thị trường chính được tiêu thụ nhiều ở phân khúc dịch vụ nên bị ảnh hưởng lớn.
Từ tháng 10, giá cá tra xuất khẩu khả quan hơn, kim ngạch tăng so với những tháng trước và so với cùng kỳ mức giảm chỉ còn 5%, sang tháng 11 giảm nhẹ 4%. Tuy nhiên, vẫn chưa hết trắc trở, điển hình ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc, tháng 10/2020 phục hồi nhưng tháng 11 lại giảm mạnh. Theo VASEP, trong tháng 11, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm tới 29,3% so với tháng 10. Nguyên nhân là tại các cửa khẩu ở Trung Quốc phải chờ cơ quan chức năng nước này lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Bởi từ ngày 10/11/2020, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Thiên Tân, Thanh Đảo… Thủ tục xét nghiệm Covid-19 phức tạp, thời gian thông quan mất cả tháng, thêm chi phí lưu công và kiểm hàng tới 2.000 – 3.000 USD/container.
Ngành cá tra cần có lộ trình chuyển dịch và thay đổi để phát huy được thế mạnh vốn có. Ảnh: Phạm Ngôn
Trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh đã chuyển hướng phục vụ thị trường nội địa được đánh giá là đúng đắn. Tổng cục Thủy sản cho biết, sự kiện “Kết nối sản xuất – tiêu thụ cá tra” trong khuôn khổ “Tuần hàng cá tra và sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020” có 8 liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp được ký kết. “Bước đầu đã kết nối thành công trong việc đưa cá tra ra miền Bắc (Công ty Nam Việt, Công ty An Việt và Công ty Bắc Á). Ngày 30/10/2020, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh An Giang, Công ty CP Nam Việt tổ chức công bố lễ xuất khẩu sản phẩm cá tra được sản xuất theo công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa” (Báo cáo tổng kết năm 2020 của Tổng cục Thủy sản).
Cụm ngành cá tra hình thành và phát triển ở ĐBSCL, vùng đất ưu đãi thủy sản với bờ biển dài 780 km có 22 cửa lớn nhỏ, gần 80.000 ha vùng triều, hệ thống kênh, sông, rạch chằng chịt, nguồn nước dồi dào. Cá basa và cá tra bột tự nhiên theo dòng nước lũ đổ về được bắt nuôi, vươn ra thế giới vào năm 1987, với Australia là thị trường xuất khẩu đầu tiên. Đến năm 1990, cá tra thay thế hầu như hoàn toàn cá basa, phát triển một ngành công nghiệp chế biến lớn mạnh từ những năm 2000, đưa Việt Nam thành quốc gia hàng đầu xuất khẩu cá tra suốt 20 năm qua. Cá tra đã đến hơn 130 quốc gia, từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Brazil, Australia, Canada đến thị trường mới nổi như Trung Quốc.
Năm 2000, diện tích nuôi 2.123 ha, sản lượng 93.415 tấn, tiếp đó 10 năm tăng liên tục. Chỉ tính 5 năm (2015 – 2019), theo VASEP, diện tích nuôi tăng 18,7%, sản lượng tăng 38,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28%. Kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh vào năm 2018 với 2,26 tỷ USD nhưng giảm 11% năm 2019 chỉ còn trên 2 tỷ USD. Năm 2018 giá cá tra nguyên liệu cũng đạt kỷ lục, trong tháng 10 và 11 lên tới 36.500 đồng/kg, cao nhất 10 năm qua. Năm 2020, theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi cá tra 5.700 ha, sản lượng 1.560.000 tấn, năng suất bình quân 273 tấn/ha, kim ngạch xuất khẩu 1,54 tỷ USD.
Số liệu của VCCI Cần Thơ, hiện cả nước có khoảng 100 nhà máy sản xuất, chế biến cá tra, chủ yếu ở ĐBSCL, giảm đáng kể so con số 291 nhà máy trong năm 2011 nhưng quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, ngành hàng này đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Điều kiện tự nhiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, tình trạng xói lở các bờ sông, thay đổi dòng chảy và chất lượng nước giảm. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực vẫn là cá fillet, cắt khúc, hoặc nguyên con. Chất lượng nguyên liệu thiếu đồng bộ do phương thức nuôi truyền thống.
Phân tích từng khâu, thấy bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình ở khâu nuôi, trở ngại lớn nhất là sự thiếu hụt giống cá tra có chất lượng, hệ thống cơ sở sản xuất giống chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu. Dự án “Sản xuất cá tra giống chất lượng cao” được Viện Nghiên cứu NTTS II thực hiện từ tháng 3/2016 đến ngày 31/12/2020 đã cung cấp đàn cá tra bố mẹ chất lượng cao, tuy nhiên, vẫn chưa khắc phục được sự thiếu hụt giống tốt. Quy mô nuôi nhỏ lẻ, hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật, dẫn đến giá thành cao.
“Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020” do VCCI Cần Thơ phối hợp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thực hiện, đánh giá: “Trong bối cảnh ngành cá tra hiện nay, việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang hướng công nghiệp, hiện đại, chuẩn hóa quy trình nuôi đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu khó tính như Mỹ, EU là xu hướng bền vững”. Việc thay đổi này đang gặp những khó khăn: Quy mô diện tích canh tác nhỏ lẻ, trình độ và kỹ năng của người nông dân hạn chế; nhu cầu vốn đầu tư lớn; sự hiện diện các thị trường dễ tính như Trung Đông, Trung Quốc lại làm giảm sức ép chuyển đổi. Dấu hiệu tích cực, có 5.368 ao nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện trên diện tích 4.692 ha. Đến đầu năm 2020, có 303 giấy chứng nhận VietGAP được cấp cho cơ sở nuôi cá tra trên diện tích 1.965 ha. Khoảng 71% diện tích 5.400 ha cá tra có chứng nhận GlobalGAP hoặc ASC.
Báo cáo phân tích sự khác biệt giữa Vĩnh Hoàn và IDI, hai doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tiêu biểu ở ĐBSCL, từ năm 2015 đến nay như hai hướng chiến lược kinh doanh. Vĩnh Hoàn nghiên cứu, sản xuất collagen từ năm 2014 và lợi nhuận từ hoạt động này đã đóng góp khoảng 20% tổng lợi nhuận. Còn IDI nổi lên là một trong những doanh nghiệp hàng đầu sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu với sản phẩm chủ yếu là fillet. Hướng nào cũng có thuận lợi đan xen rủi ro.
Trên thị trường, vai trò và vị thế của Việt Nam trong ngành đã bão hòa, đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi các đối thủ mới nổi. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, sản lượng cá tra của Việt Nam chiếm khoảng 45% toàn cầu; nay nhiều quốc gia đã nuôi nhiều cá tra. Tháng 5/2019, Indonesia xuất lô hàng đầu tiên sang Ả Rập Saudi. Trung Quốc hiện có 20 nhà máy chế biến với năng lực khoảng 30.000 tấn và đang đẩy mạnh nuôi, chế biến. Ấn Độ, Bangladesh nuôi sản lượng lớn, đang cạnh tranh khốc liệt với Việt Nam.
Có thể thấy, thế mạnh của ngành cá tra dựa vào điều kiện tự nhiên ở nước ta được khai thác thời gian dài, đang ngày càng trở nên bất lợi, sự tiên phong chiếm lĩnh thị trường thế giới không còn, lại thiếu lao động có tay nghề. Tuy nhiên, cũng mở ra một số cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và dư địa nâng cấp phân khúc có giá trị gia tăng cao.
“Trong bối cảnh như vậy, cơ cấu ngành theo hướng thích nghi với điều kiện tự nhiên ngày càng bất lợi và hướng đến các tiêu chuẩn thị trường cao nhất; hay tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến sâu hay chế biến thành phẩm là lựa chọn tất yếu của ngành trong các giai đoạn tiếp theo. Lộ trình chuyển dịch và thay đổi cần được rõ ràng và quyết liệt hơn trong quá trình triển khai và thực thi”, kết luận của Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020.
Sáu Nghệ