Cá tra Việt Nam: Lung lay vị thế độc quyền

Chưa có đánh giá về bài viết

Mười năm qua, từ một loài cá bản địa, khai thác tự nhiên, con cá tra đã phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược của Việt Nam. Hiện, cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu đến 142 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng nuôi tăng 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu tăng 65 lần, đóng góp khoảng 2% GDP cả nước.

Nhóm sản phẩm cá tra chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển thủy sản cả nước, bởi chỉ sử dụng diện tích rất nhỏ để nuôi (khoảng 6.000 ha mặt nước, bằng 1% diện tích nuôi tôm) nhưng lại có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục vạn công nhân, nông ngư dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở vùng nông thôn ĐBSCL.

Cho đến nay, cá tra Việt Nam vẫn là hàng “độc quyền” trên trường quốc tế. Về nguyên tắc, đáng lẽ hàng độc quyền phải được bán với giá cao và có quyền quyết định giá. Song, thực tế lại diễn ra trái ngược, khi sản phẩm cá tra liên tục bị nước ngoài ép giá. Giải thích cho nghịch lý này, Bộ Công thương nhìn nhận, cá tra Việt Nam ngày càng mất vị thế, tính cạnh tranh trên thị trường thế giới bởi các doanh nghiệp cạnh tranh nội bộ, bán phá giá, bán hàng kém chất lượng…

Dễ nhận thấy, từ nhiều năm nay, mối liên kết trong ngành cá tra quá lỏng lẻo, người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu luôn mâu thuẫn quyền lợi, không liên kết được với nhau; thực trạng nuôi cá lâu nay vẫn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; phát triển quá nóng về cả diện tích, sản lượng lẫn nhà máy chế biến, trong khi cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi, kỹ thuật, nguồn vốn, quản lý nhà nước chưa theo kịp…; chiến lược tiếp thị, quảng bá hình ảnh ra thế giới còn hạn chế…

Tái cấu trúc, vực dậy ngành xuất khẩu tỷ USD đã được các bộ ngành bàn thảo nhiều lần. Tuy nhiên, sau đó mọi chuyện vẫn “giẫm chân tại chỗ” và hậu quả là hàng loạt hộ nuôi cứ mãi thua lỗ, dẫn đến nợ chất chồng.

 Không chỉ phải đối diện với nhiều sóng gió trong nước mà trong một hoặc hai năm nữa, vị thế độc quyền của con cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới có thể bị lung lay, bởi hiện nay, ngoài 4 nước hạ lưu sông MêKông đã có nghề nuôi cá tra truyền thống là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, loài cá này còn được một số nước khác ở Đông Nam Á (như Philippines, Indonesia…) đẩy mạnh sản xuất, bởi nhìn thấy triển vọng kinh tế.

Đơn cử Philippines, gần đây, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã giao Dự án phát triển ngành cá tra quốc gia cho Nhóm Phát triển và Điều hành nội địa (RODG) với tổng vốn đầu tư 650 triệu peso (15,8 triệu USD) nhằm đạt doanh thu 945 triệu peso vào năm 2016. Theo kế hoạch, DTI sẽ xây dựng vùng nuôi cá tra có tổng diện tích 270 ha, sử dụng 2.700 lao động và sản xuất 614 tấn cá tra fillet mỗi tháng.

Còn tại Indonesia, Tổng vụ trưởng nuôi trồng thủy sản, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia (MMAF), Slamet Soebjakto, trong chương trình thăm và làm việc tại quận Tanjung Jabung Timur, Jambi khẳng định, tương tự sông Mê Kông, sông Batanghari ở Jambi là khu vực tiềm năng để trở thành một trong những trung tâm nuôi cá tra lớn nhất Indonesia. Tiềm năng khu vực và nguồn tài nguyên cá tra của Indonesia có thể sánh được với Việt Nam. Trên thực tế, nếu Indonesia có thể tận dụng, trao quyền và sử dụng tài sản công nghệ sẵn có, sản xuất cá tra của Indonesia có thể vượt Việt Nam.

>>Indonesia có thể trở thành nhà sản xuất cá tra lớn nhất thế giới. Điều này phù hợp chính sách của MMAF đã chọn cá tra là một trong những mặt hàng chủ lực cho công cuộc công nghiệp hóa ngành nuôi trồng thủy sản. Hơn nữa, Indonesia có tiềm năng nuôi cá tra, nhờ sự phong phú của các con sông, hồ, bể chứa, ao hồ nhân tạo – Ông Slamet Soebjakto cho biết.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!