Khởi kiện là hy vọng duy nhất để thay đổi kết quả thuế chống bán phá giá mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra đối với cá tra, ba sa Việt Nam.
Đã có “vũ khí” bí mật!
Gửi đơn kiện DOC lên CIT, phải chăng các DN xuất khẩu cá tra, ba sa đã chuẩn bị tốt hồ sơ, tài liệu làm bằng chứng chỉ rõ cái sai và bất hợp lý trong cuộc điều tra thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa lần 8 (POR8)?
Gửi đơn kiện DOC lần này là những bị đơn chịu thuế trong POR8 mà DOC công bố hồi tháng 3/2013, mức thuế tăng mấy chục lần so với đợt xem xét trước. Với sự tư vấn của đội ngũ luật sư, hồ sơ kiện gửi CIT đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chủ yếu chỉ rõ các nội dung phản đối, chứng minh được cơ sở tối thiểu khẳng định các nội dung phán quyết không đúng theo quy định của luật hoặc không có chứng cứ quan trọng chứng minh cá tra, ba sa Việt Nam bán phá giá.
Cụ thể, các DN đã phân tích hồ sơ thông tin về quy trình sản xuất, chế biến, giá bán cá tra, ba sa của Indonesia cung cấp cho DOC, tìm ra những điểm không hợp lý khi DOC lựa chọn Indonesia thay vì Bangladesh như trong các đợt điều tra trước đây. Từ đó, đơn kháng kiện cũng chỉ ra các bước điều tra, phương pháp tính giá thành sản xuất, áp mức thuế không chính xác trong quy trình của DOC. Quy trình thiếu thông tin thuyết phục, độ tin cậy không cao.
Ngoài những bằng chứng trên, DN Việt Nam có “vũ khí” bí mật nào để lật ngược thế cờ không, thưa ông?
Tất nhiên là có nhưng không thể tiết lộ lúc này. Tuy nhiên, DN Việt Nam vẫn có điểm mạnh để lật lại bản phán quyết của DOC, đó là sự khác biệt giữa ngành sản xuất cá tra, ba sa ở Indonesia so với Việt Nam.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Việt Nam. Ảnh: Quang Huy
Về quy mô, cá tra, ba sa nuôi ở Indonesia chỉ là ngành sản xuất rất nhỏ, trong khi ở Việt Nam lại là một ngành chủ lực của cả nước, quy mô rộng lớn, sản lượng cá lớn nhất thế giới. Cá tra, ba sa Indonesia phần nhiều nuôi theo kiểu tự nhiên, giống cá cũng khác, thời gian nuôi lâu hơn nên giá cá cao là đúng. Còn cá tra, ba sa Việt Nam nuôi công nghiệp, thời gian ngắn, giá thành sản xuất tất phải thấp hơn. Việt Nam là nước xuất khẩu cá tra trong khi Indonesia còn phải nhập cá tra của Việt Nam. Đấy là những luận điểm đủ mạnh để chứng minh chọn Indonesia làm nước thay thế làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào để áp thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam là sai luật.
Điều chúng ta làm được lúc này là chủ động kiện kịp thời để kéo dài thời gian vụ kiện. Nếu CIT đồng ý với bất kỳ nguyên đơn nào (tức các bên phản đối vụ việc) và ra lệnh trả hồ sơ về cho DOC xem xét lại, khi đó vụ kiện sẽ tiếp tục kéo dài 2-3 năm.
“Thắng kiện là hoàn toàn có thể!”
Tính chủ động của DN Việt Nam được thể hiện như thế nào trong lần kiện này?
Ngay sau khi có công bố về việc tăng thuế của DOC trong đợt POR8, VASEP đã tiến hành cuộc họp với các DN hội viên bàn cách khởi kiện. Tại cuộc họp này, đáng mừng là DN rất quyết liệt, đồng lòng thống nhất trong việc gửi đơn kiện DOC lên CIT. DN đã chủ động cùng thu thập chứng cứ, cung cấp thông tin số liệu từ nhiều nguồn và gửi chung một đơn kiện. Với tinh thần này, chúng ta có quyền tin Việt Nam sẽ lật ngược tình thế và khiến DN sản xuất Mỹ dè chừng hơn nếu có ý định kiện chống bán phá giá đối với thủy sản xuất khẩu của nước ta.
Vậy theo ông, Việt Nam có thể thắng kiện trong lần đầu tiên khởi kiện lên CIT không?
Các luật sư đại diện cho DN cá tra, ba sa Việt Nam trong vụ kiện POR8 cho biết vẫn có nhiều cơ hội khi chúng ta đang nắm giữ nhiều chứng cứ có thể phản biện lại phán quyết của DOC. Thắng kiện là hoàn toàn có thể.
Một trong những nguyên nhân mà DOC viện dẫn để không chọn Bangladesh làm quốc gia thay thế là do Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp (DAM) thuộc Bộ Nông nghiệp Bangladesh không hợp tác, cung cấp đầy đủ số liệu cho DOC như nhiều năm vừa qua. Việc này khiến DOC quay sang chọn Indonesia, gây bất lợi cho kết quả điều tra dẫn đến tăng thuế cá tra Việt Nam. Sắp tới, VASEP sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng quan hệ với Bộ Nông nghiệp Bangladesh. Cụ thể là tăng cường hợp tác với DAM để họ cung cấp đủ thông tin ngành cá tra cho quá trình điều tra của Mỹ. Từ đó buộc DOC phải quay lại chọn Bangladesh trong đợt POR9 (kỳ rà soát hàng hóa nhập vào Mỹ từ ngày 1-8-2011 đến 31-7-2012) sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
>> Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ngày 14-3 đã ra phán quyết đối với việc lựa chọn nước thứ ba để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá ba sa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. DOC chọn Indonesia làm nước thứ ba thay thế Bangladesh. Từ quyết định trên, thuế suất đánh vào mặt hàng cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh của các DN Việt Nam đều tăng mạnh. Như Công ty Vĩnh Hoàn, đơn vị có doanh số lớn nhất về xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ, từng được hưởng thuế suất 0%, tới đây sẽ phải chịu mức thuế 0,19 USD một kg, 16 DN khác của Việt Nam, trong đó có Bình An, Cadovimex, Anvifish, Docifish…, cũng sẽ phải chịu các mức thuế cao hơn, từ 0,77 đến 3,87 USD mỗi kg. Theo chinhphu.vn |