T2, 06/07/2020 02:10

Cá tra Việt tìm cơ hội tại Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo ghi nhận, việc xuất khẩu cá tra sang các thị trường như Trung Quốc – Hồng Kông, Mỹ đã tăng trở lại; đặc biệt là thị trường Mỹ khi mức thuế chống bán phá giá cá tra lần thứ 15 tại đây là 0,15 USD/kg. Đây là thông tin tích cực với các doanh nghiệp cá tra, basa Việt Nam trong bối cảnh giao thương bị đình trệ do tác động của đại dịch COVID-19.

Ngày 24/4, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả chính thức đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) đối với cá tra, basa của Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 – 31/7/2018. Theo đó, mức thuế cuối cùng áp dụng cho một số doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với DOC là 0,15 USD/kg và doanh nghiệp không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg. Như vậy, so với kết quả đợt POR14 công bố vào tháng 4/2019, mức thuế của các doanh nghiệp không hợp tác vẫn giữ nguyên. Riêng thuế dành cho các doanh nghiệp hợp tác đã giảm đáng kể từ mức 1,37 USD/kg xuống 0,15 USD/kg. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra của Việt Nam (Vĩnh Hoàn, Biển Đông…) vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%. Đây là thông tin tích cực đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến nguồn nuôi cá trong nước.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và các năm đều tiến hành rà soát mức thuế áp dụng. DOC đang tiến hành rà soát POR16, nên Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam cần xem xét tham gia hợp tác, cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, đầy đủ để DOC có căn cứ đánh giá, phân tích, tránh nguy cơ bị sử dụng thông số sẵn có do kê khai thiếu thông tin trong bản trả lời câu hỏi. Cùng đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan có hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành cá tra.

Một thực tế là, ngành hàng cá tra hiện nay có 3 khâu quan trọng là nuôi, chế biến và xuất khẩu; trong đó, thị trường xuất khẩu vẫn là yếu tố quyết định; trong khi, với bề dày phát triển hơn 20 năm, nhưng tình trạng bán phá giá cá tra trên thị trường vẫn tồn tại. Nguyên nhân của vấn đề trên, theo nhiều doanh nghiệp là do nhà nước chưa đưa ngành hàng cá tra vào loại hình kinh doanh có điều kiện nên có nhiều người không có nhà máy, vùng nuôi cũng nhảy vào mua bán. Bán không được giá cao thì quay ngang bán giá thấp để thu hồi vốn, từ đó làm cho thị trường rối loạn. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc cắt giảm sản lượng cho phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường, việc hết sức cần thiết để ngành hàng cá tra phát triển bền vững là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Cụ thể, nhà nước cần đưa ngành hàng này vào loại hình kinh doanh có điều kiện như đã từng làm đối với ngành hàng lúa gạo; ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước để xác lập lại trật tự để ngành hàng này phát triển mang tính ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực ĐBSCL.

>> Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã quyết định ban hành quy định nới lỏng quy tắc dán nhãn có hiệu lực trong 60 ngày đối với các sản phẩm thịt, gia cầm, thủy sản (cá tra, cá thịt trắng) theo các quyền hạn quy định; điều này cũng tạo thêm cơ hội sản phẩm cá tra Việt Nam “tấn công” vào thị trường giàu tiềm năng này. 

Thiên Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!