(TSVN) – Theo VASEP, tính đến nửa đầu tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 39,4 triệu USD, giảm 26,2% so cùng kỳ năm trước. Ba năm trở lại đây, giá trị nhập khẩu cá tra sang EU vẫn ở mức tăng trưởng âm.
Cụ thể 5 tháng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Hà Lan giảm 21,7%; Tây Ban Nha giảm 33%; Đức giảm 50,8% và Bỉ giảm 38,2%.
Năm 2020, thị trường thủy sản EU bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi COVID-19, các biện pháp giãn cách ở Italy, Pháp, Đức… tác động không nhỏ tới lưu thông vận chuyển hàng hóa nội khối và ngoại khối. Đầu năm 2021, thị trường bán lẻ EU tăng mạnh, tăng 30% so với năm trước. Tuy nhiên ngành dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn…) vẫn rất chậm.
Cộng thêm chi phí vận chuyển đường biển tăng cao, giá bán cá tra ở EU vẫn ổn định, tuy nhiên nhiều nhà nhập khẩu dè dặt mua hàng. Tháng 3/2021, giá khoảng 2,2 USD/kg và 3,3 USD/kg với sản phẩm fillet cao cấp, chưa qua xử lý (giá tại TP Hồ Chí Minh).
Tại Châu Âu, thị trường lớn nhất của cá tra là khu vực Bắc Âu, người tiêu dùng quan tâm nhiều tới tính an toàn, giá cả và sự tiện lợi. Phần lớn sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU là sản phẩm cá tra fillet đông lạnh.
VASEP cho biết, hiện nay, Bangladesh và Trung Quốc là hai đối thủ cạnh tranh với cá tra Việt Nam, tuy số lượng nhập khẩu từ hai thị trường này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng giá trị nhập khẩu lại ngày càng tăng. Đặc biệt tại thị trường Bangladesh, do các vấn đề về chuỗi cung ứng, các nhà xuất khẩu Bangladesh thường không thể bán hàng cho các thị trường khắt khe cao cấp như lĩnh vực bán lẻ, nơi thường phải có chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, chất lượng và tính bền vững. Thay vào đó, cá tra Bangladesh thường nằm ở phân khúc thấp của thị trường dịch vụ ăn uống. Một lợi thế lớn đối với Bangladesh là quốc gia này được hưởng lợi từ quy chế GSP+, quy chế này cho phép các nhà xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Do đó, cá tra Bangladesh khá cạnh tranh trên thị trường châu Âu về giá cả.