(TSVN) – Hỏi: Sau trận mưa lớn, cá trắm cỏ bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân có các đốm đỏ lở loét, vây xuất huyết, rách nát. Hỏi đây là triệu chứng của bệnh gì và biện pháp xử lý ra sao?
(Lê Văn Dương, xã Nghĩa Thuận, Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Với các triệu chứng trên, có thể cá trắm bị bệnh đốm đỏ. Theo TS Bùi Quang Tề, tác nhân gây bệnh là các loài Aeromonas hydrophila; Pseudomonas fluorescens; Streptococcus sp. Bệnh đốm đỏ xảy ra chủ yếu trong giai đoạn nhiệt độ thấp và sau thời gian mưa lớn.
Cá nhiễm bệnh thường có các biểu hiện như: Cá kém ăn hoặc bỏ ăn; Có các đốm đỏ trên thân, vẩy rụng; Vây xuất huyết, rách nát. Mổ khám cá bệnh thì cơ quan nội tạng có thể xuất huyết, ruột xuất huyết, nhiều chỗ hoại tử thối nát.
Phòng, trị bệnh:
Đối với cá giống: Tắm cho cá bằng Oxytetracycline, Streptomycine nồng độ 20 – 50 g/m³ nước trong 1 giờ. Tùy vào phản ứng của cá có thể giảm thời gian tắm.
Đối với cá thịt: Dùng kháng sinh (KN-04-12) trộn vào thức ăn với liều lượng 4 g/kg cá trong 1 ngày (giảm ½ qua ngày thứ 2) và cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.
Sau khi dùng kháng sinh cần sử dụng sản phẩm giải độc gan và men tiêu hóa trong 7 – 10 ngày để tăng cường hệ tiêu hóa cho cá.+
Ban KHKT