Cá trắng châu Âu

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá trắng châu Âu (C. Lavaretus L.) được đưa vào Việt Nam từ năm 2011, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trong thủy vực nước lạnh cùng cá hồi vân, cá tầm. Loài này đã được nuôi thành công tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai.

Đặc điểm sinh học

Cá trắng châu Âu trong họ cá hồi. Ở môi trường tự nhiên, cá trắng có thể sinh trưởng và phát triển cả môi trường nước ngọt và nước lợ, nhưng giai đoạn trứng và cá con chỉ tồn tại và phát triển trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên, các loài cá trắng châu Âu (C. Lavaretus L.) hiện nay chủ yếu là nuôi trong thủy vực nước ngọt. Chúng sống trong môi trường nước sạch, có dòng chảy nhẹ và hàm lượng ôxy hòa tan cao. Môi trường sống của cá trắng tương tự của cá nước lạnh (cá hồi vân, cá tầm…). Một trong những ưu điểm là loài cá này có thể sinh trưởng ở ngưỡng nhiệt độ cao hơn cá hồi vân. Cá trắng châu Âu có thể phát triển trong nhiệt độ 12 – 220C, tối ưu trong 16 – 200C. Cá trắng là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng thơm ngon, thịt cá màu trắng trong, hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện nay ở các nước châu Âu giá cá thương phẩm bán trên thị trường cao hơn 1,5 lần so với cá hồi vân. Những năm gần đây nhiều nước khác cũng bắt đầu di nhập, nghiên cứu và phát triển nuôi loài cá này. Có thể nuôi trong lồng bè, bể, ao (ở Nga, Mỹ, Trung Quốc). Tại Phần Lan, người ta nuôi ghép cá trắng trong ao cá hồi và nuôi đơn.

 

Tiềm năng lớn

Ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nước ta có tiềm năng nuôi một số loại cá nước lạnh, đặc biệt các khu vực có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu phù hợp sự phát triển một số loài (như cá hồi vân, cá tầm). Cá hồi vân được nuôi thử nghiệm tại Việt Nam năm 2005, đến nay đã được thuần hóa và phát triển tốt tại 28 tỉnh miền núi. Cá trắng có đặc điểm sinh học gần giống cá hồi vân, sức chịu đựng cao hơn, ngưỡng ôxy thấp hơn, điều kiện nuôi không khắt khe bằng cá hồi vân, nên rất thích hợp phát triển tại các tỉnh miền núi nước ta. Đưa cá trắng về nhằm bổ sung loài mới cho nghề nuôi cá nước lạnh. Loài cá này có thể sẽ là một đối tượng chính cho nghề nuôi cá nước lạnh của Việt Nam.

 

Hiện trạng

Năm 2011, dự án nhập công nghệ sản xuất cá trắng đã nhập 20.000 trứng cá trắng; đã ương ấp, nuôi thương phẩm ấp thành công. Với tỷ lệ nở gần 90%, tỷ lệ sống khi đến giai đoạn giống đạt 92%. Cá trắng thương phẩm đã được nhiều trại nuôi cá tầm, cá hồi ở Lào Cai, Lai Châu đưa về nuôi, khả năng thích nghi và phát triển tốt. Sau khoảng 12 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 1,4 – 1,8 kg/con, năng suất 1 – 1,5 tấn/100 m3, lợi nhuận 200 – 250 triệu đồng/100 m3 nước.

Cá trắng có thể phát triển tốt trong điều kiện nuôi bể, ao, lồng, nơi nhiệt độ 12 – 220C. Mật độ nuôi bể 15 – 20 con/m2. Thức ăn cho cá trắng hiện nay chủ yếu là thức ăn nuôi cá hồi vân.

Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh Sa Pa, tỉnh Lào Cai, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, đã nghiên cứu và sinh sản nhân tạo cá trắng. Tuy nhiên, giống cá trắng được Trung tâm sản xuất phục vụ nuôi thương phẩm và cung cấp ra thị trường chủ yếu vẫn là nhập trứng đã thụ tinh và có điểm mắt từ Phần Lan. Mỗi năm Trung tâm cung cấp ra thị trường 2 – 3 vạn con giống. Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống cá trắng là điều mà Trung tâm cần khắc phục trong thời gian tới, để chủ động số lượng giống cung cấp ra thị trường và hạ giá thành con giống.

>> Địa chỉ cung cấp con giống cá trắng châu Âu và tư vấn kỹ thuật: Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Giám đốc Nguyễn Thanh Hải, điện thoạị: 0985.74.66.88 – (0202). 216.514

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!