Các biện pháp phòng bệnh tôm hùm mùa nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn các biện pháp phòng bệnh tôm hùm mùa nóng?

(Lê Văn hải, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)

Trả lời:

Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là ôxy để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, che mát lồng nuôi bằng lưới lan khi thời tiết nắng nóng.

Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của đàn tôm nuôi, loại bỏ tôm chết, xác tôm lột, thức ăn thừa trong ngày ra khỏi lồng nuôi nhằm hạn chế tích lũy chất hữu cơ trong môi trường nước và chất hữu cơ lắng đáy.

Thức ăn là một trong những nguồn lây nhiễm bệnh cho tôm hùm nuôi do việc sử dụng thức ăn tươi sống là cá nhỏ, tôm, cua, ghẹ. Do đó, việc vệ sinh và sát trùng thức ăn rất quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình nuôi. Thức ăn phải được bảo quản tốt, còn tươi và phải có nguồn gốc từ những vùng không có dịch bệnh. Thức ăn cho tôm hùm cần được rửa sạch, tùy vào giai đoạn tôm nuôi mà có thể để nguyên hoặc cắt nhỏ, sau đó để ráo nước rồi nhúng vào dung dịch thuốc tím (KMnO4) 3 – 5 ppm (3 – 5 mg/lít nước biển), trộn đều và ngâm khoảng 10 – 20 phút để sát trùng rồi cho tôm ăn. 

Bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho tôm hùm nuôi, giảm khẩu phần ăn theo biến động thời tiết cho phù hợp với sức khỏe của tôm nuôi, tránh dư thừa thức ăn gây lắng đọng chất thải và tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Ngoài ra, người nuôi cần san thưa mật độ nuôi 2 – 5 con/m² lồng đối với tôm hùm kích cỡ từ 200 g/con trở lên, giãn cách lồng bè nuôi ở mật độ lồng nuôi từ 30 – 60 lồng/ha mặt nước (nếu được) nhằm tạo sự thông thoáng nước cho lồng bè nuôi theo quy định.

Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!