(TSVN) – Hỏi: Xin hỏi các biện pháp xử lý nước cho ao tôm vụ mới?
(Phan Văn Hải, xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Xử lý ao lắng: Nước nguồn được vận chuyển qua lưới lọc hạn chế rác và ngăn chặn sinh vật tự nhiên xâm nhập. Quá trình để lắng sẽ từ 3 đến 5 ngày, thời gian này các chất hữu cơ có đủ thời gian để phân hủy muối dinh dưỡng cho sự phát triển của tảo, đồng thời giúp tiêu giảm bớt mật độ của vi khuẩn gây bệnh. Cần thiết nếu có thể chạy quạt nước để cung cấp thêm ôxy hòa tan để thúc đẩy quá trình phân hủy của các vật hữu cơ, vậy nên thời gian lắng càng lâu thì hiệu quả càng cao.
Chuyển nước từ ao lắng vào ao nuôi: Quá trình bơm nước qua ao nuôi nên sử dụng túi lọc hoặc vải kate để có thể loại bỏ các địch hại, vật chủ trung gian gây bệnh hay vi sinh vật cạnh tranh,… Mực nước ao lý tưởng có độ cao từ 1,3 – 1,4 m là phù hợp, tạo ra không gian đủ rộng để tôm hoạt động và ổn định môi trường sống.
Diệt tạp: Trong 3 ngày đầu tiến hành chạy quạt liên tục để giáp xác và trứng cá nở hết rồi tiến hành cho rotenone (rễ cây thuốc lá); saponin; hay có thể một số hoá chất với liều lượng vừa phải. Thời điểm sử dụng bột bã trà hiệu quả nhất là từ 4h đến 6h sáng, nếu độ mặn của ao tôm thấp hơn 10 ppt hay trong ao có nhiều cá nở và giáp xác nở thì nên tăng thêm liều lượng của bộ bã trà. Trường hợp ao nuôi xuất hiện ốc đinh và rong đáy thì có thể sử dụng đồng sunphat (CuSO4) với liều dùng từ 2 – 3 kg /1.000 m3.
Diệt khuẩn: Sau khoảng 2 ngày sau khi diệt tạp, tiến hành diệt khuẩn để loại trừ bớt mầm bệnh có trong ao nuôi. Người nuôi có thể sử dụng các chất diệt khuẩn như TCCA, Chlorine, BKC, Iodine, PVP-Idodine, thuốc tím KMnO4,… để có thể xử lý vi khuẩn hiệu quả.
Bổ sung vi sinh: Dùng vi sinh sau khi diệt khuẩn để tạo hệ vi sinh lành mạnh cho tôm và nước. Quy trình diệt khuẩn có thể làm mất đi vi khuẩn có lợi. Vi sinh sẽ giúp cân bằng môi trường nước, phân hủy bùn đáy và chất thải hữu cơ sau này. Một số loài vi sinh còn giúp tăng đề kháng cho tôm.
Ban KHKT