Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu protein của cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Protein là thành phần chất hữu cơ chính của cơ thể cá, chiếm khoảng 12 – 18% khối lượng cơ thể. Nhiệm vụ chính của protein là xây dựng nên cấu trúc cơ thể.

Vai trò

Nếu thức ăn không cung cấp đủ nhu cầu protein cho cá sẽ dẫn đến cá chậm lớn, hoặc ngừng tăng trưởng, thậm chí giảm khối lượng. Ngược lại, nếu thức ăn chứa quá nhiều protein thì protein dư không được cá hấp thụ mà sẽ chuyển hóa thành năng lượng hoặc thải ra ngoài; hơn nữa cá còn phải tốn năng lượng cho quá trình tiêu hóa protein dư thừa, vì thế sinh trưởng của cá giảm. Điều này dẫn tới lãng phí protein, làm tăng giá thành thức ăn không cần thiết. Do đó, protein là chất dinh dưỡng được đặc biệt chú ý trong thức ăn. Mục đích của nuôi động vật thủy sản là biến đổi protein từ thức ăn (tự nhiên và nhân tạo) thành protein cấu tạo cơ thể.

Protein được đặc biệt chú ý trong thức ăn của cá. Nguồn: Shutterstock

Nhu cầu protein là lượng protein tối thiểu có trong thức ăn nhằm thoả mãn yêu cầu các amino acid để đạt tăng trưởng tối đa (NRC, 1993). Nhu cầu protein của động vật thủy sản thường lớn hơn động vật trên cạn. Nhu cầu protein của cá dao động từ 25 đến 55%, trung bình 30%, giáp xác từ 30 – 60%. Nhu cầu protein tối ưu của một loài phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu làm thức ăn (tỷ lệ protein và năng lượng, thành phần amino acid và độ tiêu hóa protein), giai đoạn phát triển của cơ thể, các yếu tố bên ngoài khác. 

Các yếu tố ảnh hưởng

Theo PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ, các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu protein của cá như sau:

Năng lượng của thức ăn: Do động vật thủy sản có khả năng sử dụng năng lượng biến dưỡng từ nguồn protein trong thức ăn nên nhu cầu protein của chúng có khả năng giảm khi mức năng lượng trong thức ăn tăng lên. Nhưng nếu thức ăn quá giàu năng lượng thì sẽ hạn chế sự tiêu thụ thức ăn của động vật thủy sản, vì chúng sẽ ngưng bắt mồi khi thỏa mãn nhu cầu năng lượng (Lee và Putnam, 1973; Page và Andrew, 1973). Do đó hàm lượng protein tối ưu cho động vật thủy sản chịu ảnh hưởng bởi tỷ lệ tối ưu giữa protein và năng lượng.

Thức ăn cung cấp cho cá tra có hàm lượng protein khác nhau theo từng giai đoạn. Ảnh: LHV

Chất lượng và loại thức ăn sử dụng: Nhu cầu protein tối ưu của cá chịu ảnh hưởng các yếu tố của thức ăn thí nghiệm như thành phần amino acid, khả năng tiêu hóa protein và tỷ lệ các nguồn cung cấp năng lượng khác như lipid và carbohydrate. Tùy theo loài mà khả năng chia sẻ năng lượng của lipid và carbohydrate với protein khác nhau.

Giai đoạn phát triển: Động vật thuỷ sản còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng nhanh nên cần mức protein cao hơn so với cá lớn. Đối với cá rô phi, giai đoạn 1 – 5 g nhu cầu protein là 30 – 40%, giai đoạn 5 – 25 g: 25 – 30% và lớn hơn 25 g là 20 – 25% protein trong thức ăn. Ở giai đoạn sinh sản, nhu cầu protein của động vật thủy sản cao hơn so với giai đoạn sinh trưởng, vì giai đoạn này chúng cần một lượng protein cao để phát triển tuyến sinh dục. Ví dụ: nhu cầu dinh dưỡng của tôm càng xanh ở giai đoạn sinh trưởng khoảng 25 – 28% protein từ thức ăn, nhưng ở giai đoạn thành thục sinh dục, nhu cầu này tăng lên hơn 40%.

Môi trường nuôi dưỡng: Các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ mặn cũng ảnh hưởng đến nhu cầu protein của động vật thủy sản. Khi nhiệt độ tăng, sự sinh trưởng của cá cũng tăng lên dẫn đến nhu cầu protein tăng theo. Ngoài ra, nhu cầu protein của cá tăng còn có thể do sự bài tiết nitơ trong quá trình dị hóa nitơ của cơ thể tăng lên. Đối với nhóm cá rộng muối, khi độ mặn gia tăng, nhu cầu protein cũng tăng, độ tổng hợp và biến dưỡng các amino acid sẽ tăng cao ở môi trường ưu trương so với môi trường nhược trương (Steffens, 1989).

Lượng thức ăn cho ăn: Mức độ cho ăn cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu protein của cá. Khi cho cá ăn ở mức độ giới hạn (tính theo trọng lượng thân) có thể làm tăng nhu cầu protein. Nếu mức cho ăn thấp gần bằng mức cần thiết để duy trì cơ thể, sẽ dẫn đến hệ số chuyển hóa thức ăn cao và tăng trưởng rất chậm hoặc bị ngừng lại. Ngược lại, nếu dư thừa lượng thức ăn, hiệu quả chuyển hóa thức ăn sẽ kém do thức ăn bị hao hụt và sự tiêu hóa thức ăn giảm đi.

Yếu tố di truyền: Cùng một loài nhưng khác nhau về di truyền sẽ có nhu cầu protein khác nhau. Theo đó sẽ tạo nên sự khác nhau về tăng trưởng, khả năng tiêu hóa protein và thành phần hóa học của cơ thể. 

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!