Cách chữa bệnh lở loét cho cá lóc hiệu quả nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá lóc trong tự nhiên thường rất khỏe, ít bệnh tật, tuy nhiên, ở điều kiện nuôi nhân tạo với mật độ cao thì cá lóc dễ bị nhiễm nhiều bệnh. Trong đó, bệnh lở loét là bệnh thường gặp và xuất hiện nhiều vào mùa mưa lũ.

Trong mùa lũ, các ao, hồ nuôi cá thường tích tụ nhiều phù sa, nhiễm bẩn, mùn bã, rác và các chất thải làm ô nhiễm nguồn nước và tiềm ẩn những mầm bệnh cho cá nuôi. Cá lóc nuôi trong mùa lũ thường hay xuất hiện các loại bệnh do các loại kí sinh như trùng bánh xe, sán lá đơn chủ, xuất huyết do nhiễm virus, đốm đỏ do vi khuẩn, bệnh do nhóm giáp xác gây ra. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất với cá lóc nuôi là bệnh ghẻ hay còn gọi là hội chứng lở loét. Bệnh lở loét xảy ra trên cá lóc nuôi không chỉ có ở nước ta mà còn có nhiều ở các nước Đông Nam Á, các nước trong khu vực Thái Bình Dương.

Thương tổn lan rộng thành những vết loét lớn trên thân cá. Ảnh: BQT

Nguyên nhân

Những tác nhân gây bệnh cho cá gồm virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các yếu tố môi trường. Nguyên nhân gây bệnh trước nhất là virus, nấm cũng được coi là yếu tố quan trọng gây ra hội chứng lở loét. Có thể chúng cùng với các loại ký sinh trùng làm cá bị thương tổn tạo điều kiện cho các tác nhân chính gây bệnh cho cá.

Các yếu tố môi trường: nhiệt độ, chất lượng nước, môi trường dinh dưỡng,  các sản phẩm trao đổi chất của các cũng như sự ô nhiễm công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trong môi trường nước cũng góp phần làm giảm sức đề kháng của cá.

Ngoài ra, nhiều quan điểm cho rằng nấm ký sinh trong nội tạng Aphanomyces được coi là tác nhân chính gây ra bệnh này. Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa mưa (tháng 10 – 12) và đầu mùa khô (tháng 1 – 2).

Dấu hiệu

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là cá ăn ít hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, nổi lờ đờ, da xám, có vết loét hoặc các đốm đỏ phát triển ở đầu, thân, vây và đuôi. Sau một thời gian bị bệnh cá kiệt sức và chết.

Quan sát bên ngoài cá thấy xuất hiện nhiều vết nhỏ màu xám hay đỏ. Mang, quanh mắt và da xuất huyết, toàn thân có màu xám tối. Thương tổn lan rộng thành những vết loét lớn trên vẩy, thân cá… Khi cá bệnh nặng sẽ thấy máu chảy ở hậu môn.

Bệnh tích

Giải phẫu cá sẽ thấy bóng hơi xuất huyết và teo dần, gan thận cũng xuất huyết. Khoang bụng có dấu hiệu tích nước, có nhiều dịch nhờn và xuất huyết.

Phòng bệnh 

Thực hiện quá trình tẩy dọn ao, bể nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để diệt các tác nhân gây bệnh.

Lựa chọn con giống có chất lượng, đồng đều về kích cỡ, không xây xát, bơi lội nhanh nhẹn. 

Trong quá trình nuôi, cần quản lý tốt môi trường nuôi, cung cấp nước cho ao nuôi bằng nước sạch. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường, kìm hãm sự phát triển của mầm bệnh. Thực hiện các thao tác bắt, phân loại nhẹ nhàng, không để cá bị bệnh ngoài da tạo điều kiện cho vi khuẩn cơ hội tấn công gây bệnh phát triển.

Cho cá ăn đủ thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao làm cá khỏe sẽ có sức đề kháng tốt. Thường xuyên trộn thức ăn với men tiêu hóa, Vitamin C, premix.

Hàng ngày cần kiểm tra, theo dõi hoạt động của cá để kịp thời phát hiện bệnh và xử lý ngay không cho bệnh phát triển và kéo dài. Đồng thời, quan sát biến đổi chất lượng nước, bổ sung nguồn nước mới đảm bảo đầy đủ ôxy và hạn chế các chất độc. Để tạo môi trường cá sống sạch sẽ cần dọn sạch cỏ tạp, tiêu diệt địch hại và vật chủ trung gian, vớt bỏ xác sinh vật và cá chết, các thức ăn thừa thãi, tiêu độc nơi cá đến ăn để hạn chế sinh vật gây bệnh sinh sản và lây truyền bệnh.

Trị bệnh

Khi cá có dấu hiệu bị bệnh cần thay 50% nước bằng nước sạch, vệ sinh xung quanh ao nuôi. Xử lý nước bằng Fresh Water với lượng 1 kg (650 gói A + 350 gói B) cho 1.000 – 1.500 m³ nước. Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho cá liên tục trong 7 ngày theo liều 250 g Desery + 50 ml Vime-Fenfish 2.000 cho 1 tấn cá.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!