Cách điều trị vàng da trên cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá tra nổi đầu, giảm ăn, bơi lội lờ đờ trên mặt nước, phản ứng chậm với tiếng động, tập trung nơi thay nước của ao, phần đầu có màu vàng nghệ. Hỏi đây là bệnh gì, cách điều trị như thế nào?

(Trần Đình Hải, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Với các dấu hiệu trên, có thể cá tra mắc bệnh vàng da. Bệnh vàng da trên cá tra thương phẩm thường bùng phát bởi một trong các nguyên nhân:

– Do môi trường nuôi ô nhiễm hữu cơ, tảo lam phát triển dày đặc, khí độc NH3, H2S, NO2 tích tụ nền đáy nhiều.

– Do vấn đề sử dụng kháng sinh kéo dài, lặp lại nhiều lần trong điều trị bệnh do vi khuẩn.

– Do dùng hóa chất độc hại xử lý môi trường trong thời gian dài dẫn tích lũy nhiều ở đáy ao ảnh hưởng đến cá nuôi.

– Do nhiễm nội ký sinh trùng ký sinh ở gan, ống dẫn mật gây hiện tượng tắc mật.

Cá mắc bệnh có biểu hiện bơi lội lờ đờ trên mặt nước, không định hướng, nổi đầu và giảm ăn; Cá tiết nhiều nhớt, tơ mang bị tưa, mang nhợt nhạt, cá khó hô hấp; Cá tập trung ở mép ao, gần cống nước và bất động ở khu vực này; Bên ngoài vây bị xuất huyết. Trên mắt có một vầng trắng hoặc vàng nhạt xung quanh, đỉnh đầu bị sưng nhẹ.

Mổ khám cá bệnh thấy nội tạng có dịch vàng, cá bị hoại tử (gan bở, nhũn); Máu có màu nhợt nhạt hơi pha vàng; Gan chai cứng, màu ngả vàng. Bệnh thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 6 đến tháng 7 nhưng rộ nhất vào cuối mùa nước đổ. Xuất hiện ở mọi giai đoạn cá nhưng thường thấy ở cá 350 g trở lên.

Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thương phẩm khi xuất bán mà còn gây thiệt hại lớn với tỷ lệ chết cao. Do đó, để phòng bệnh, cần cải tạo ao nuôi thật kỹ trước khi thả cá nuôi tránh mầm bệnh còn sót lại dưới đáy ao.

Khi cải tạo ao phải khử trùng bằng vôi nung CaO liều cao, phơi đáy ao 3 – 7 ngày. Cá giống trước khi thả nuôi phải mổ thăm khám kiểm tra nội tạng, cá khỏe mạnh thì mới tiến hành thả nuôi.

Mổ khám cá định kỳ để kịp thời phát hiện cá có biểu hiện bất thường, định kỳ tẩy giun sán cho cá nuôi theo đúng loại thuốc, liều lượng và liệu trình. Cần bổ sung Sorbitol và Vitamin C thường xuyên vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, bổ trợ giải độc gan khi môi trường thay đổi, sau mỗi lần điều trị bệnh.

Thực hiện lắng, lọc và xử lý nước cấp để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi.

Không nên nuôi cá với mật độ quá dày, trong trường hợp cá nuôi bị bệnh, phải chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị thích hợp, không được tùy tiện sử dụng kháng sinh và các hóa chất, nhất là những loại nằm trong danh mục cấm hoặc hạn chế sử dụng.

Để điều trị bệnh, trước hết, cần sử dụng các sản phẩm đào thải độc tố, phục hồi chức năng gan thận cá kết hợp khử độc nước. Cùng đó, xử lý nội ký sinh trùng

Lưu ý, giảm lượng thức ăn còn 0,5% trọng lượng đàn cá trong quá trình xử lý. Lặp lại 2 bước trên 1 – 2 lần cho đến khi cá phục hồi hẳn. Khi sức khỏe cá ổn định, tiến hành kiểm tra và lấy bùn đáy ao. Thay nước mạnh, liên tục trong suốt quá trình điều trị.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!