(TSVN) – Hỏi: Sau trận mưa dài, tảo lam trong ao phát triển mạnh. Làm thế nào để khắc phục?
(Nguyễn Duy Hải, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)
Trả lời:
Khi trời mưa kéo dài sẽ khiến pH trong ao giảm mạnh, gây hiện tượng ao nuôi bị sụp tảo đột ngột, sản sinh ra CO2 trong nước nuôi tôm và làm giảm nhanh ôxy. Đây là điều kiện thuận lợi để tảo lam phát triển nhanh chóng.
Tảo lam khi nở hoa sẽ làm giảm phiêu sinh động vật, làm cho nước ao, tôm nuôi có mùi hôi, đóng rêu, đồng thời còn thải ra chất nhờn gây tắc nghẽn mang tôm, khi tảo chết tạo nhiều khí độc (CO2, NH3, H2S). Ngoài ra, tảo lam còn trực tiếp gây bệnh cho gan tụy, phân trắng, đường ruột, phân lỏng, phân đứt khúc… khiến quá trình phát triển của tôm bị chậm lại, tôm ốp thân. Vì vậy, cần cắt tảo trong ao nuôi tôm khi có những dấu hiệu phát triển quá mức để không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm. Để khắc phục hiện tượng trên, trước tiên cần vớt xác tảo. Nếu có ao lắng đã được xử lý nước nên thay nước để giảm mật độ tảo. Cho ăn vừa đủ, kiểm soát chặt để không cho ăn dư. Cắt tảo bằng vôi đen với liều lượng cho phép < 20 kg/1.000 m³ nước sau khi đánh vôi sử dụng kèm Zeolite 20 kg/1.000 m³. Thường xuyên hút bùn và xi phông đáy. Sử dụng chất diệt tảo có gốc CuSO4. Cần áp dụng biện pháp tăng độ mặn cho nước ao bằng việc cấp thêm nước hoặc bổ sung muối 10 kg/1.000 m³ treo ở đầu cánh quạt. Cho ăn bằng 70% lượng thức ăn trước đây đến khi tảo giảm.
Ban KHKT