Cách nào giải bài toán nguyên liệu cá ngừ?

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ nhiều năm trở lại đây, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến XK cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, không riêng gì đối với tôm và cá tra mà cả với cá ngừ. Xem ra đây là một “bài toán” khó chưa có lời giải phù hợp.

Thời gian qua, tình hình sản xuất của các DN XK cá ngừ không mấy thuận lợi và hiệu quả kinh doanh đạt không cao. Có thể dẫn ra nhiều nguyên nhân như vốn, lao động, các chi phí sản xuất, cước vận tải biển…, và nhất là nguồn nguyên liệu để chế biến – yếu tố giữ vai trò khá quan trọng đối với sự “tồn tại” của DN, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, duy trì hoạt động của nhà máy và đảm bảo cho DN đáp ứng được đơn hàng của các thị trường NK. Nhiều DN hiện đang “đứng ngồi không yên” vì đến thời hạn giao hàng nhưng vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất.

Nguyên liệu cá ngừ nhập về nhà máy

Để giải quyết tình trạng này, nhiều DN đã chọn giải pháp NK cá ngừ nguyên liệu, có DN phải NK đến 80% lượng nguyên liệu từ các nước về để chế biến XK. Mặc dù giá nguyên liệu NK luôn cao hơn 5 – 10% so với giá trong nước, nhưng ít ra giải pháp này cũng giúp DN có được nguyên liệu cho sản xuất, giữ được khách hàng và thị trường. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là giải pháp lâu dài vì đến một thời điểm nào đó, các nước cũng sẽ ngừng XK nguyên liệu thô. Hơn nữa, việc NK nguyên liệu đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính mạnh để thu mua dự trữ và đầu tư kho lạnh bảo quản. Mặt khác, DN phải có khách hàng và thị trường tiêu thụ ổn định, phải vận hành sản xuất kinh doanh tốt mới mong đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, việc NK cá ngừ nguyên liệu còn gặp không ít trở ngại cả về thủ tục hành chính ở trong nước lẫn chính sách hạn chế XK của một số nước cung cấp chính. Hiện nay, phí kiểm nghiệm cùng với cước vận tải biển tăng đang là gánh nặng đối với nhiều DN, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Một điều rất đáng nói đến là việc ân hạn thuế 275 ngày đối với hàng NK để gia công XK đang có nguy cơ bị xóa bỏ vì các DN NK muốn được hưởng ân hạn này trong trường hợp tạm nhập tái xuất phải có bảo lãnh từ ngân hàng. Điều này đồng nghĩa với việc DN phải vay, thế chấp và phải trả ít nhất 2%/năm, như vậy sẽ gây bất lợi lớn cho DN, nhất là vào lúc khó khăn về vốn như hiện nay. Hơn nữa, với các DN NK lượng lớn hàng để dự trữ trong thời gian dài cho sản xuất XK sẽ khó có thể tái xuất hết trong thời gian 275 ngày theo quy định.

Trong 5 tháng đầu năm 2012, giá trị XK cá ngừ Việt Nam đã đạt 228 triệu USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giá trị XK sản phẩm cá ngừ nguyên liệu (mã HS 03) đạt 151,8 triệu USD, chiếm tới gần 70% tổng giá trị XK cá ngừ Việt Nam trong giai đoạn này và tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sản phẩm cá ngừ chế biến (mã HS 16) đạt giá trị 76,2 triệu USD, tuy chỉ chiếm thị phần nhỏ trong cơ cấu sản phẩm cá ngừ XK sang các thị trường nhưng giá trị XK nhóm hàng này tăng khá mạnh tới 52,7% so với 5 tháng đầu năm 2011.

Điều này cho thấy, năm nay các DN cá ngừ ngày càng có xu hướng tập trung XK nhóm hàng có giá trị gia tăng nhiều hơn, nhất là sản phẩm cá ngừ đóng hộp để nâng cao giá trị và tiết kiệm nguyên liệu. Đối với sản phẩm cá ngừ nguyên liệu, giá trị XK vẫn tăng nhưng phần nào bị hạn chế hơn trước do nguồn nguyên liệu khai thác trong nước hiện không đáp ứng đủ nhu cầu, phần vì giới hạn của trữ lượng nguồn lợi, phần do kỹ thuật khai thác và bảo quản sau khai thác không giữ được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hiện tượng thương nhân nước ngoài tranh mua nguyên liệu với DN cũng góp phần làm cho các DN trong nước gặp khó khăn nhiều hơn về nguồn nguyên liệu.

Vì vậy, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cá ngừ hiện nay là các nhà máy chế biến XK cần chủ động gắn kết giữa chế biến với xây dựng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh liên kết theo hợp đồng giữa nhà máy với người khai thác. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, các cơ quan chức năng cần xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân như điều tra khảo sát ngư trường, hướng dẫn ngư dân khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn lợi, đẩy mạnh hợp tác mở rộng ngư trường khai thác…

Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN NK đủ nguyên liệu để thực hiện các đơn hàng lớn bằng cách giãn thuế, giảm thuế NK. Về lâu dài, nên có chính sách hỗ trợ DN phát triển đội tàu hiện đại, công suất lớn để đánh bắt, thu mua nguyên liệu và nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật đánh bắt của ngư dân; đồng thời ưu tiên cho những DN có định hướng phát triển tốt và sở hữu nguồn nhân lực trình độ cao, nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế.

NTR

Theo VASEP

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!