(TSVN) – Hỏi: Mùa mưa bão, một số tàu cá trong quá trình ra vào cửa lạch bị tác động của sóng gió làm hư hỏng bánh lái, trang thiết bị trên tàu. Xin tư vấn cách neo đậu tàu hạn chế thiệt hại?
(Nguyễn Chí Hải, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định)
Trả lời:
Đối với các tàu đậu ở cửa sông, dọc triền sông, người dân cần neo buộc cố định vào các trụ độc lập dọc bờ sông. Mũi tàu cần hướng ra ngoài, vị trí của tàu so với bờ sông tạo thành góc 450 phòng trường hợp tình huống khẩn cấp, khi ấy, tàu có thể quay, trở dễ dàng.
Kiểm tra kỹ dây neo khi neo đậu. Trong điều kiện vùng neo đậu diện tích rộng lớn, còn nhiều chỗ cho ngư dân xoay xở tàu thì nên neo đậu một mình để tránh va đập và mặt thuyền phải bám đáy nhưng không mắc cạn. Trong điều kiện vào khu neo đậu tập trung có nhiều tàu, không có đủ các cọc neo cố định trên bờ thì cần neo tàu theo hướng phía lái vào bờ, thả thêm neo phía mũi tàu, dùng các lốp cao su chêm thêm ở mạn tàu hai bên để giảm va đập khi có sóng lớn.
Chọn nơi khuất gió và đáy biển là cát, cát pha sét hoặc sét, neo tàu cách biệt các tàu khác, cách xa vách đá và chướng ngại vật khác, thả 1 – 2 neo mũi, chiều dài dây neo gấp 5 – 7 lần độ sâu nơi thả neo. Sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở các hướng mà không bị va đập với vật gì và không bị mắc cạn.
Thiết bị máy móc, ngư lưới cụ được chằng buộc chắc chắn, tránh hư hỏng khi mưa bão xảy ra.
Nếu neo đậu tại các sông miền Trung, cần phải lưu ý lũ sau bão. Không neo đậu tàu giữa sông và không điều động tàu di chuyển khi có lũ mạnh.
Ban KHKT