Cách nhận biết đáy ao bị lão hóa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Tôi hay nghe nói đáy ao bị suy thoái lão hóa, làm sao để nhận biết được. Xin được tư vấn?

(Ngô Văn Tư, huyện Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh)

Trả lời:

Dấu hiệu nhận biết đất đáy ao bị lão hóa của ao nuôi gồm: Độ kiềm, pH không ổn định, biến động khác thường so với các vụ nuôi trước. Sự biến động khác thường càng xảy ra nhiều trong các vụ nuôi kế tiếp. Rất khó gây màu nước, tảo không ổn định, kém phát triển trong tháng nuôi đầu, hay mất đột ngột. Tốc độ tăng trưởng tôm nuôi chậm hơn so với các vụ nuôi trước do thiếu trầm trọng lượng khoáng chất cần thiết. Tôm nuôi được chăm sóc bình thường nhưng các vụ nuôi kế tiếp xuất hiện một số biểu hiện bất thường: Vỏ tôm mềm, mỏng; hoặc tôm lột xác không hoàn toàn, bị dính vỏ; hoặc sau mỗi đợt tôm lột xác, tỷ lệ tôm chết đáy tăng 3 – 7% (tùy ao); hoặc kích cỡ tôm không đồng đều, chậm phát triển

Hỏi: Xin được hướng dẫn cách xây bể lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm cho đúng kỹ thuật và hiệu quả?

(Huỳnh Tấn Phát, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An)

Trả lời:

Mô hình dùng bể lọc nước nuôi tôm được nhiều chủ hồ nuôi TTCT ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) áp dụng đã mang lại hiệu quả, người nuôi có thể tham khảo sau: Bể lọc được xây bằng gạch trát xi măng có chiều rộng 6 m, ngang 4 m, sâu 2 m. Bên dưới bể rải 1 lớp đá san hô, tiếp đến 1 lớp than hoạt tính và 1 lớp cát dày bên trên cùng. Nước được bơm từ mạch ngầm vào hồ lọc rồi mới xả vào ao nuôi bằng 1 ống nhựa lớn. Bơm, lọc liên tục đến khi đủ lượng nước trong ao nuôi. Sau khi được lọc, nước trong hẳn ra, khi vào ao nuôi nước ít biến đổi tảo. Cứ cách 3 – 5 tháng chủ nuôi tôm phải thay lớp cát và than 1 lần. Lớp san hô 1 năm cũng phải lấy ra, chà rửa sạch sẽ rồi cho vô lại trong bể, tránh nguồn nước nuôi bị nhiễm bẩn từ những lớp cặn lóng trong bể lọc.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!