Cách phòng trị bệnh do thích bào tử trùng trên cá chép

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá chép nuôi lồng xuất hiện trên da, mang cá có nhiều bào nang to bằng hạt tấm, hạt đậu xanh màu trắng đục, có con nắp mang bị kênh không đóng lại được. Xin hỏi cách điều trị bệnh?

(Nguyễn Quang Dương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

Trả lời:

Theo mô tả, nguyên nhân gây bệnh là do thích bào tử trùng thuộc giống Myxobollus, Thelohanellus, Henneguya. Đây là yếu tố đầu tiên khiến cá suy nhược. Từ đó dẫn đến sự tấn công của các yếu tố khác như vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Trùng thích bào tử có vỏ dầy, rất khó tiêu diệt, hiện nay chưa có thuốc phòng, trị bệnh hữu hiệu. Vì vậy, cần phải đặc biệt chú ý đến việc phòng bệnh. Áp dụng biện pháp phòng bệnh cho cá. Kiểm dịch con giống, nếu có bệnh, phải loại bỏ cá, dùng các chất khử trùng mạnh (vôi bột, Chlorine…) với nồng độ cao để tiêu diệt mầm bệnh.

Khi có dịch bệnh xảy ra phải diệt toàn bộ cá trong lồng, quây bạt xung quanh lồng để giữ nguyên nước trong lồng và khử trùng nước kỹ bằng vôi hoặc Chlorine. Dụng cụ đánh bắt phải được khử trùng, đồng thời đưa lồng lên cạn, khử trùng và phơi khô lồng. Những ngày nhiệt độ hạ nên giảm thức ăn và cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày (13 – 14 giờ). Để hạn chế ô nhiễm môi trường do sử dụng hóa chất, nên sử dụng muối ăn (NaCl) và vôi Ca(OH)2 cho vào túi vải treo ở 4 góc nơi cho cá ăn và nên treo trước khi cho cá ăn với liều lượng: vôi 1 – 2 kg/túi, muối 5 – 10 kg/túi, định kỳ 10 – 15 ngày/lần.

Ngoài ra, sử dụng thêm lá xoan, dây giác, cỏ mực… đập dập rồi bọc lại bằng lưới cước treo ở đầu bè hoặc ở chỗ cho ăn với liều lượng 5 – 10 kg/lần. Định kỳ hàng tháng kiểm tra các yếu tố thủy lý hóa và mầm bệnh trong ao, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Cần bổ sung Sorbitol và Vitamin C thường xuyên vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá khi môi trường thay đổi.

Hỏi: Quy trình xử lý nước ở ao lắng tinh gồm những bước nào cho đúng kỹ thuật?

(Tôn Hoàng Anh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang)

Trả lời:

Khi ao nuôi cần nước thì chúng ta tiến hành bơm nước từ ao lắng thô sang ao lắng tinh và tiến hành xử lý nước tại đây. Quy trình xử lý nước đầu vào gồm các bước: Diệt khuẩn bằng Chlorine hoặc thuốc tím riêng rẽ hoặc kết hợp tùy theo chất lượng nước vùng xây dựng trại nuôi. Nếu vùng nước biển sạch thì chỉ cần sử dụng một trong hai loại thuốc diệt khuẩn trên là được (10 ppm Chlorine hoặc 3 ppm thuốc tím).

Tuy nhiên, đối với vùng nuôi có nhiều phèn, kim loại nặng thì cần xử lý nước bằng cả Chlorine, thuốc tím và chất trợ lắng. Sau khi diệt khuẩn nước nuôi cần được trung hòa Clo dư và làm mềm nước bằng cách bổ sung EDTA với liều lượng 1 – 5 ppm. Bước cuối cùng đó là nâng kiềm trong ao lắng tinh bằng cách bổ sung bột đá vôi CaCO3 với liều lượng 50 – 100 kg/1.000 m3 nước, chạy quạt liên tục trong 12h – 24h trước khi bổ sung vào ao nuôi.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!