(TSVN) – Cách sử dụng EDTA trong nuôi tôm?
(Trần Thanh An, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh)
Trả lời:
EDTA là từ viết tắt của Ethylene Diamine Tetraacetic Acid. Đây là một axít hữu cơ mạnh (hơn 1.000 lần so với axit acetic). EDTA có tính chất vật lý ở dạng bột màu trắng, là hóa chất được sử dụng trong xử lý nước cấp trong sản xuất giống thủy sản nước lợ, trong ương và nuôi thương phẩm tôm. Trong nuôi tôm, EDTA chủ yếu được sử dụng để xử lý kim loại nặng và làm giảm độ cứng của nước.
Nguồn nước có hàm lượng kim loại nặng cao, tôm thường khó chuyển giai đoạn, giai đoạn nauplius chuyển zoea thường bị hao hụt nhiều, các râu bị đứt, gẫy. Ngoài ra, EDTA còn góp phần cung cấp thêm nitơ cho môi trường kích thích tảo phát triển, hòa tan, cô lập kim loại nặng trong ao nuôi tôm thịt. Hiện nay đối với xử lý nước trong trại giống, liều thường áp dụng khoảng 5 – 10 ppm.
Trong quá trình xử lý nước khi nuôi tôm thương phẩm, đối với những ao nuôi trong vùng có độ mặn thấp và đất nhiễm phèn, khi cấp nước vào ao khoảng 0,8 – 1 m, nếu độ kiềm thấp, nước có màu vàng nhạt. Có thể sử dụng EDTA ở liều 2 – 5 kg/1.000 m³ để xử lý trước khi bón vôi để nâng độ kiềm trong ao.
Trong quá trình nuôi, định kỳ dùng EDTA với liều thấp hơn, khoảng 1 – 2 kg/1.000 m³ nước (1 – 2 ppm). Hiện nay có nhiều sản phẩm phối chế có chứa thành phần EDTA, do đó người nuôi cần lựa chọn phù hợp với mục đích và sử dụng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. EDTA nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời, tránh xa nước, độ ẩm cao, nguồn nhiệt.
Lưu ý, nên sử dụng các biện pháp an toàn khi vận chuyển và sử dụng như mang bao tay, khẩu trang, kính mắt để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Không để nhầm lẫn với các thực phẩm cho người và vật nuôi. Đậy kín khi không sử dụng.
Ban KHKT