Cách tăng độ kiềm sau mưa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Làm thế nào để khắc phục tình trạng độ kiềm ao nuôi tôm giảm sau mưa?

(Đặng Văn Hòa, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Độ kiềm là thông số rất quan trọng trong nuôi tôm thẻ chân trắng do có liên quan trực tiếp đến độ ổn định của pH nước và hoạt động lột xác của tôm. Độ kiềm càng lớn, pH của nước càng ổn định. Độ kiềm thấp của các vùng nước ngọt hoặc có độ mặn thấp ảnh hưởng rất lớn đến khả năng lột xác và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Theo Limsuwan (2005), độ kiềm trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng phải ở mức trên 80 mg CaCO3/L và cần được kiểm tra thường xuyên, ít nhất là 1 tuần/lần. Độ kiềm thường giảm vào mùa mưa do nước mưa có tính axit hoặc sau khi tôm lột xác hoặc trong ao có nhiều ốc đinh. Độ kiềm thấp làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, khiến cho tôm bị mềm vỏ, chậm lớn, có tỷ lệ sống thấp. Các ao nuôi có độ kiềm quá thấp (dưới 20 mg CaCO3/L) thường rất khó để gây màu nước. Để tăng độ kiềm trong ao nuôi tôm có thể dùng dolomite, vôi tôi Ca(OH)2 hoặc NaHCO3 công nghiệp.

Do đó, nếu sau mưa làm cho độ kiềm nước ao tôm thấp cần dùng Dolomite ngâm vào nước ngọt trong 24 giờ, sau đó tạt đều xuống ao vào 8 – 10 giờ đêm theo lượng: 1,655 g vôi Dolomite sử dụng cho 1 m3 nước tăng độ kiềm lên 1 mg/L. Ví dụ: để ao tôm 3.000 m³ tăng độ kiềm từ 80 lên 90 mg/L thì cần 3.000 x 1,655 x (90 – 80)/1.000 = 46,65 kg. Lưu ý, mỗi lần tăng độ kiềm chỉ nên tăng khoảng 10 mg/L, bởi nếu độ kiềm tăng quá nhanh sẽ làm tôm bị sốc, sức đề kháng giảm.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!