(TSVN) – Nói tới Tết Nguyên đán, người ta nghĩ ngay tới những phong tục Tết cổ truyền, những gì truyền thống, lâu đời, là một nếp cũ. Nhưng thật ra Tết Việt bản chất là “Tống cựu nghinh tân”, tiễn cái cũ để đón cái mới. Khát khao của con người chính là hướng tới những điều mới mẻ trong cuộc sống và trong mỗi con người, thể hiện qua cái Tết.
Theo truyền thống người Việt thì việc đụng tới mồ mả hay bàn thờ tổ tiên là điều tối kỵ, song điều ấy lại diễn ra vào ngày Tết.
Ai lúc nhỏ cũng nhìn thấy bố mẹ, ông bà mình, Tết đến xuân về sẽ xếp lại bàn thờ, lau chùi đồ thờ cúng. Cát cũ ở trong lư hương được bỏ đi, chân hương cũng vứt đi, chỉ để lại một chút gọi là. Một nghề chỉ có trong ngày Tết là đánh bóng lư hương, cho mới tinh. Cũng vào dịp Tết thì con cháu sẽ sơn lại mộ phần của tổ tiên, tục tảo mộ có từ lâu đời; chỉ khi nào quét dọn, sơn sửa xong thì con cháu mới có thể lo việc Tết trong gia đình của mình. Điều đặc biệt là trong những ngày thường, người ta không bao giờ được tự tiện đụng vào mồ mả tổ tiên, trừ phi bị hư hại, hoặc tôn tạo lớn. Vào ngày xuân, con cháu cả nghìn người đi tảo mộ khiến cho những nghĩa trang chẳng khác gì một công trường náo nhiệt!
Tết, đó là một dịp đặc biệt để người ta có thể và bắt buộc làm mới chính cuộc sống của mình. Cái mới, cũng đồng nghĩa với sự may mắn và cái cũ khi đó cũng như là một sự xui xẻo, không may. Dịp cuối năm, cả nhà tỏa đi lau dọn nhà, làm cỏ trong vườn, kê lại những chậu hoa. Cành hoa đào, hoa mai hé nụ được đem về nhà. Trên tường sẽ treo câu đối hoặc những bức tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ. Không chỉ một cái Tết đang đến mà đích thực là một CÁI MỚI đang đến.
Chúng tôi rời thành phố lên rừng tản cư kháng chiến, cuộc sống giản dị và cũng có thể nói là nghèo khó. Những thôn làng nằm ở vùng bán sơn địa mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tới để đi thực tế viết nên các thiên truyện nổi tiếng “Khách ở quê ra”, “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”. Chính tôi, khi đó là một cậu bé, buổi tối được nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc các tác phẩm mới viết trong sổ tay của ông cho mọi người nghe, sau bữa cơm chiều muộn.
Trong những thôn nghèo ấy, ngày Tết lũ trẻ chúng tôi vui nhất. Nhà nghèo, nhà giàu gì cũng cố gắng sắm quần áo mới cho trẻ con. Trong chợ tràn ngập sắc màu mới của những hương vàng, hoa, vải và vòng xiểng, dù chúng phần nhiều là thứ rất rẻ tiền và màu sắc cũng lòe loẹt. Năm tôi học lớp một, gia đình bác Hùng là thợ may ở gần nhà, may tặng cho tôi một bộ quần áo mới đón Tết. Đó là một bộ quân phục bộ đội ta, dĩ nhiên là chúng tí hon và tôi được gắn luôn quân hàm đại úy.
Thuở ấy vẫn còn pháo nổ lúc giao thừa. Sáng mùng Một, xác pháo rơi đầy sân mà không ai dám quét, vì sợ mất đi cái lộc mới mẻ đầu năm. Suốt mùng Một, tất cả mọi người đều rón rén chờ người đầu tiên bước vào nhà, gọi là “đập đất”, người đó dường như quyết định đến cả một năm thành công hay thất bại!
Những ghi chép của các nhà nghiên cứu cho thấy, tục tặng áo mới không chỉ có trong gia đình. Vào ngày Tết, các vua nhà Nguyễn cũng tặng quần áo mới cho các quan, chúng được đựng trong cái hộp. Điều hay là chỉ vua ban áo mới cho các quan chứ các quan không được phép tặng vua cái gì, khác hẳn với hiện tượng ngày nay nhà nước phải có văn bản cấm cấp dưới tặng quà cho cấp trên vào ngày Tết, cấm cấp trên không được nhận quà của cấp dưới.
Mỗi dịp Tết, các mẹ thường đi đổi tiền mới để mừng tuổi cho con, cháu. Gọi là tiền mừng tuổi thì chỉ là tiền lẻ thôi, nhưng điều quan trọng là phải tiền mới, còn buộc dây thun, thậm chí là đến ngân hàng để đổi. Có lẽ chỉ dịp Tết đồng tiền mới “mất giá” chỉ vì cũ hay là mới.
Dịp Tết, những đôi trai gái yêu đương cũng về ra mắt nội ngoại. Được chấp nhận, người ấy sẽ là thành viên mới của gia đình. Tôi có người chị hàng xóm học ở Hà Nội. Chị xinh như văn công. Tết mấy năm trước chị đưa bạn trai về ra mắt, khổ nỗi, gia đình không đồng ý. Anh kia ngậm ngùi ra đi. Mấy năm sau, chị lại đưa một anh khác hẳn về, gia đình hội ý và cũng không thuận. Thế là chị lại phải đợi mấy cái Tết nữa để kiếm cho được chàng rể mới cho gia đình.
Chúc Tết là phong tục không rõ có từ bao giờ. Ngày Tết, người ta chúc nhau có nhiều điều mới mẻ, những gì chưa làm được trong năm cũ sẽ làm được trong năm mới, những gì không tốt năm cũ sẽ qua đi. Năm mới, người xưa không chỉ cầu giàu, mà còn cầu sang nữa:
“Chúc mừng thượng đẳng tối linh
Phù trì dân xã hiền vinh sang giàu”.
Sang – ngày xưa đấy là sự vinh hiển, học hành, đỗ đạt, góp ích cho đời, được người người ca ngợi, gọi là “Giàu vẻ vang, sang lịch sự”. Không như cái chị kia: “Chị kia có quan tiền dài/Có bị gạo nặng coi ai ra gì!”. Lại có câu: “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, còn ai đó: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” thì thiên hạ coi khinh.
Bài thơ “Chúc Tết thanh niên” (1927), Phan Bội Châu viết:
“Thưa các cô các cậu lại các anh
Trời đã mới người càng nên đổi mới
Mở mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào gánh vác cựu giang san”
Bài thơ Chúc năm mới đầu tiên của Bác Hồ làm năm 1942, in trên báo Việt Nam Độc lập số 114, có đoạn:
“… Chúc đồng bào ta đoàn kết mau,
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm nay,
Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới…”
Cái mới là điều mà từng con người, từng gia đình và toàn xã hội hướng tới. Nhưng cái mới không chỉ chúc là có, không phải mong là được. Cái mới tới là nhờ vận hội, là nhờ nỗi lực nắm lấy vận hội, cái mới có được là nhớ sự đoàn kết, tinh thần tấn tới, cái mới đến được là dựa vào sự đồng lòng của cả dân tộc để đưa đất nước tiến lên.
Tam Lệ
(12/2020)