T2, 28/11/2022 03:39

Cải thiện các hoạt động phúc lợi cho cá tại Việt Nam và Thái Lan

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng nay (28/11), Viện Nuôi trồng thủy sản thuộc trường Đại học Stirling (Vương quốc Anh) phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp để giới thiệu và trao đổi về sáng kiến mới kết hợp giữa nghiên cứu, giáo dục và tiếp cận cộng đồng về lợi ích trong việc cải thiện các hoạt động phúc lợi của cá tại Việt Nam và Thái Lan.

Với sự tài trợ từ Open Philanthropy, Viện Nuôi trồng Thủy sản tại trường Đại học Stirling đang phối hợp thực hiện một sáng kiến mới kết hợp giữa nghiên cứu, giáo dục và tiếp cận cộng đồng về lợi ích trong việc cải thiện các hoạt động phúc lợi cho cá tại Thái Lan và Việt Nam – hai nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản hàng đầu ở Đông Nam Á.

GS. David Little, Đại học Stirling, cho biết: “Cá được nuôi với sản lượng nhiều hơn bất kỳ động vật nào khác nhưng lại ít nhận được sự quan tâm về khía cạnh phúc lợi động vật. Hầu hết sản lượng cá trên toàn cầu được sản xuất ở châu Á và đều được xem nhẹ bởi niềm tin phổ biến rằng cá không cảm thấy đau, tổn thương, hay ít hơn so với các động vật được nuôi trên cạn khác”.

Phúc lợi cho cá đang là một trong những vấn đề đang được quan tâm để xây dựng ngành nuôi trồng thủy sản bền vững. Ảnh: Gettyimages

Ông cũng định nghĩa phúc lợi động vật là một vật nuôi có thể thích nghi với điều kiện môi trường sống, có sức khỏe tốt, hệ thống sinh học hoạt động bình thường; có thể sống như trong điều kiện tự nhiên và đáp ứng “nhu cầu hành vi” của cá như trong tự nhiên; không có những trải nghiệm, chịu đựng tiêu cực (đau đớn, sợ hãi, đói khát…) và có khả năng tiếp cận những trải nghiệm, điều kiện tích cực (sự quan tâm xã hội…).

Theo GS. David Little, ngành nuôi trồng thủy sản nên tham gia vào phúc lợi động vật vì: Phúc lợi tốt có thể cải thiện năng suất và lợi nhuận; là yếu tố tăng cường bền vững; công chúng đang trở nên quan tâm hơn và các cơ quan quản lý đang đáp ứng mối quan tâm này, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu; phúc lợi cho cá đã trở thành một vấn đề trong tiếp thị, các tiêu chuẩn cao hơn được đưa ra cho phúc lợi cá, sức khỏe cá và sức khỏe cộng đồng; phúc lợi tốt cho cá nuôi phù hợp với các nguyên tắc Phật giáo; và cá được nuôi và giết mổ tốt có thể ngon hơn và tốt cho sức khỏe hơn khi ăn.

Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ xây dựng mạng lưới liên kết giữa những cá nhân và tổ chức quan tâm đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản – từ nguồn cung đầu vào đến sản xuất và tiếp thị để hợp tác nghiên cứu và truyền thông dự án. Nhiều cuộc họp trực tuyến sẽ được tổ chức để thúc đẩy các hoạt động của dự án trong tương lai.

Trong giai đoạn hai của dự án, các tổ chức địa phương sẽ được tài trợ để thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau với ngành công nghiệp nuôi trồng thuỷ sản và người tiêu dùng. Dự án mang đến hỗ trợ về mặt tài chính và học thuật cho các nhóm nhỏ bao gồm cả các nhà nghiên cứu và những người không phải là nhà nghiên cứu để thực hiện các hoạt động nhằm cải thiện phúc lợi cho cá trong nuôi trồng và hiểu biết về những lợi ích của việc áp dụng phúc lợi cho cá mang đến cho cá và con người

Ngoài ra, các suất học bổng toàn phần cho khóa học thạc sỹ ngành nuôi trồng thủy sản hoặc bệnh học thủy sản tại Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Stirling cũng sẽ được trao cho một ứng viên đến từ Thái Lan và một ứng viên từ Việt Nam để kết nối các dự án tại những quốc gia này.

Những hoạt động, phát hiện, kết quả đầu ra và các nguồn lực khác của dự án sẽ được tích cực phổ biến rộng rãi đến ngành nuôi trồng thủy sản, công chúng và người tiêu dùng thông qua chương trình truyền thông tích cực tại các trang web, video, podcast và phương tiện mạng xã hội.

Hải Phong

Các cá nhân và tổ chức quan tâm xin vui lòng liên hệ:

GS. David Little, Đại học Stirling, Vương quốc Anh 

Email: d.c.little@stir.ac.uk

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!