(TSVN) – Nhiều thử nghiệm đã chứng minh protein thủy phân, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột của các loài cá nước mặn, từ đó cải thiện đáng kể khả năng tiêu hóa thức ăn.
Những lợi ích của việc sử dụng protein thủy phân (MHP) trong thức ăn thủy sản đã được ghi nhận rộng rãi. Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Kyeong Jun Lee, Đại học Jeju ở Hàn Quốc đã chứng minh kết hợp bột tôm thủy phân (SHP) và bột cá rô phi thủy phân (THP) vào thức ăn, giúp khôi phục hiệu suất của cá bơn ô liu, khi được cho ăn khẩu phần cắt giảm bột cá.
Đại học Jeju đã thực hiện 16 thử nghiệm trong giai đoạn 2014 – 2019, để đánh giá hiệu quả của các loại thức ăn bổ sung SHP và THP cho cá tráp đỏ. Ban đầu, bổ sung 5% MHP vào thức ăn, để tạo điều kiện thay thế khoảng 50% bột cá bằng protein thực vật. Phương pháp này đánh giá lợi ích của MHP trong khẩu phần thức ăn đã cắt giảm bột cá gồm: khẩu phần bột cá thấp + 5% MPH so với khẩu phần bột cá cao và khẩu phần bột cá thấp + 5 % MPH so với khẩu phần bột cá thấp.
Sau 12 – 15 tuần thử nghiệm, tiến hành lấy mẫu cá để đánh giá thông số hiệu suất chăn nuôi, sinh lý và miễn dịch. Nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các thông số: Tốc độ tăng trưởng riêng (SGR); tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR); hiệu quả sử dụng thức ăn (FE), chiều dài (μm) của vi nhung mao (VL), tế bào hấp thụ đường ruột (EH tính bằng μm) và mật độ tế bào Goblet (GC). Song song với nghiên cứu cho ăn, nhóm nghiên cứu đánh giá thêm Hệ số tiêu hóa biểu kiến với vật chất khô (ADCDM) và protein thô (ADCCP).
Cá tráp đỏ là loài ăn thịt nên khẩu phần ăn phải giàu protein và kích thích tính thèm ăn. Các chỉ số SGR và FCR cho thấy khả năng thay thế 50% bột cá bằng protein thực vật hoàn toàn khả thi, nếu thức ăn được bổ sung 5% MPH để bù đắp lượng protein thiếu hụt.
Ngoài ra, sử dụng THP trong khẩu phần ăn ít bột cá, đã cải thiện hiệu suất tăng trưởng và chuyển hóa thức ăn tương đương khẩu phần chứa nhiều bột cá. Tuy nhiên, sử dụng SPH mang lại lợi ích vượt trội hơn, với kết quả SGR tăng 5% và FCR giảm 10%.
MPH có tác dụng tăng cường hiệu quả sử dụng thức ăn, chủ yếu do hệ số ADC của vật chất khô và protein đã được cải thiện rõ rệt. Trong trường hợp thay thế bột cá, bổ sung 5% MHP vào khẩu phần ăn, giúp duy trì các giá trị ADC ở mức tương đương với khẩu phần chứa nhiều bột cá. Trong trường hợp sử dụng MHP như một phụ gia, kết quả thu được là ADC tăng đáng kể 6 % khi MHP là bột tôm và 8 % nếu MHP là bột cá rô phi.
Nghiên cứu mô học đường ruột cá cho thấy việc sử dụng MHP trong khẩu phần ăn, đã giúp tăng cường khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng. Theo nhóm nghiên cứu, chiều dài vi nhung mao (VL) có mối tương quan chặt chẽ đến tế bào hấp thụ đường (EH). Theo đó, MHP thúc đẩy sự phát triển của EH và ảnh hưởng đến kích thước của vi nhung mao cùng mật độ tế bào gốc.
Sau khi trải qua quá trình thủy phân enzyme, MHP sẽ giải phóng một lượng lớn protein axit amin tự do. Những axit amin tự do này có tác dụng dinh dưỡng trực tiếp lên lớp tế bào hấp thụ đường ruột. Những peptide chống oxy hóa và kháng khuẩn, thường được tìm thấy trong MPH, cũng đóng vai trò duy trì tính toàn vẹn của tế bào ruột và có chức năng như hàng rào bảo vệ, để chống lại các tác nhân gây căng thẳng như yếu tố kháng dinh dưỡng trong protein thực vật, hoặc sự gián đoạn của hệ vi sinh vật đường ruột.
Nhiều tài liệu tham khảo đã chứng minh rằng kích thước và hình dạng của vi nhung mao đường ruột ở động vật có xương sống, có tác dụng điều chỉnh khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và tiêu hóa thức ăn. Song song đó, các tế bào Goblet đóng vai trò quan trọng bằng cách tiết ra chất nhầy bảo vệ, giảm nguy cơ viêm ruột hoặc nhiễm trùng, đồng thời tăng sinh khả dụng của chất dinh dưỡng. Khi sinh lý đường ruột của vật nuôi được cải thiện, sẽ kéo theo sự cải thiện ADC đối với chất dinh dưỡng vi lượng và đa lượng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý cách thức hoạt động khác nhau, khi sử dụng các loại MHP khác nhau. Cụ thể, bột tôm SPH thể hiện giá trị cao hơn về chiều dài nhung mao (VL), trong khi bột rô phi thể hiện giá trị cao hơn về mật độ tế bào Goblet. Sự khác biệt này giải thích một phần lý do tại sao SPH hiệu quả hơn TPH, trong những khẩu phần thay thế bột cá bằng protein thực vật.
Các chất thủy phân protein được công nhận rộng rãi, đây là thành phần chức năng, vì khả năng kích thích tính thèm ăn của vật nuôi. Ngoài ra, phụ gia này còn có tiềm năng tăng cường sức khỏe đường ruột cá biển và quá trình tiêu hóa chất dinh dưỡng. Các trại nuôi cũng có thể giảm lượng bột cá trong thức ăn cho cá biển, bằng cách bổ sung protein thủy phân.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, nguồn gốc nguyên liệu chế biến MPH, cũng ảnh hưởng đến công dụng của thành phẩm. Quá trình thủy phân protein từ tôm hoặc cá, có thể tạo ra những peptide và axit amin đa dạng với chức năng sinh học khác nhau. Tuy nhiên, một phương pháp tiếp cận MPH toàn diện có thể giúp cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn và mang lại nhiều lợi ích cho ngành nuôi biển, như cải thiện chất lượng nước và giảm hiện tượng phú dưỡng.
Đồng thời, bên cạnh việc giảm tác động của hoạt động sản xuất thức ăn lên môi trường, ngành nuôi biển có thể dự đoán tỷ lệ sử dụng bột cá (FIFO) khi tăng MPH nhằm cắt giảm bột cá. Đại học Jeju sẽ tiến hành nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của MPH đến quá trình tiêu hóa chất béo thô ở cá biển, hứa hẹn giải pháp tiềm năng, để giảm sự phụ thuộc vào bột cá và dầu cá, trong các công thức thức ăn cho cá biển hiện nay.
Dũng Nguyên (Theo Aquafeed)